Bắt đầu tái thiết nhưng Syria vẫn tiềm ẩn rủi ro

23/11/2018 | 08:39 GMT+7

Việc xây dựng lại nhà cửa bị tàn phá bởi chiến tranh cho thấy dường như hòa bình đã lập lại ở Syria, tuy nhiên thực chất cuộc chiến ở đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa có hồi kết.

Hình ảnh một vụ không kích ở Syria. Ảnh: DOCUMENTARYTUBE

Theo đó, đã có hơn 400 căn nhà trong số 1.500 căn bị phá hủy do chiến tranh tại các khu vực miền núi phía Tây tỉnh Latakia của Syria đã được phục hồi. Tổng chi phí cho giai đoạn tái thiết thứ nhất này đã tiêu tốn 2,6 triệu USD. Ông Sameer Islam, đại diện của chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát các công trình xây dựng trong khu vực, cho biết chương trình tái thiết nhà ở tại các khu vực miền núi của tỉnh Latakia được đưa ra từ năm 2015, ngay sau khi các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi các ngôi làng.

Thực chất của việc tái thiết này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người tị nạn mong muốn trở về quê hương sinh sống. Như vậy, xét trên bình diện chung Syria đang trong giai đoạn tái thiết đất nước sau hòa bình. Tuy nhiên, cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa có hồi kết bởi các bên liên quan chưa đồng thuận về mặt quan điểm.

Mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, cho biết có 43 người dân Syria đã thiệt mạng trong cuộc không kích sáng qua, trong đó có 29 trẻ em và phụ nữ hôm 17-11 do liên quân của Mỹ. Đây là đợt không kích giết chết dân thường tồi tệ nhất của Mỹ tại khu vực phía Đông sông Eurphrates, kể từ khi Mỹ bắt đầu không kích IS tại khu vực này từ hơn 10 tuần nay. Như vậy chỉ trong một tuần qua, số dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ tại Syria là hơn 100 người.

Trong khi đó, lực lượng vũ trang nổi dậy Syria mang tên Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, cáo buộc quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib, nhằm phá hoại thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hồi tháng 9.

Hiện nay, có 4 lực lượng nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Syria là Nga, Iran, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Nga và Iran hỗ trợ cho lực lượng Chính phủ Syria thì Mỹ hỗ trợ lực lượng đối lập Syria và dẫn đầu liên minh quốc tế chống khủng bố IS cùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy đã tạo thành 2 phe đối lập nên khó có khả năng đồng thuận. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến ủy nhiệm bất tận giữa các nước trong khu vực và quốc tế tại Syria khiến tình hình càng thêm phức tạp và làm tăng sự đối đầu trực tiếp và gián tiếp giữa các bên liên quan.

Trong một động thái liên quan, Đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề của Syria James Jeffrey, cho rằng quân đội nước ngoài cần rút khỏi Syria trừ Nga ở căn cứ Tartous và căn cứ không quân ở Humaimam. Ông Jeffrey giải thích rằng Mỹ không nằm trong danh sách rút quân vì họ đã có mặt ở Syria trước cuộc khủng hoảng năm 2011; đồng thời khẳng định Mỹ có mặt tại Syria để hỗ trợ loại bỏ các tổ chức khủng bố IS.

Tuyên bố này một lần nữa cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria, trái với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước đó rằng sẽ giảm sự can thiệp ở các nước Trung Đông và sớm rút quân tại Syria về nước. Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria tham gia vào cuộc chiến quốc tế chống IS dù chính quyền Syria cho rằng đây là bất hợp pháp và nhiều lần yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này.

Trong khi đó, Nga và Iran cũng chưa có động thái nào cho thấy sẽ rút quân khỏi Syria, bởi lẽ họ là lực lượng thân chính phủ và được Chính phủ Syria mời gọi để trợ giúp đánh đuổi IS và phe đối lập.

Cả hai bên với hai quan điểm khác nhau đều quyết tâm ở lại Syria đã làm cho tình hình chính trị của quốc gia Trung Đông này gặp muôn vàn khó khăn. Hậu quả của nó là những đợt tấn công đẫm máu cứ liên tục diễn ra mà người gánh chịu lại là người dân vô tội.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>