Bất đồng Nhật - Hàn đặt Mỹ vào thế khó

15/08/2019 | 06:50 GMT+7

Bất đồng giữa hai nước Nhật - Hàn đang đặt Mỹ vào tình thế khó khăn khi tìm giải pháp hòa giải.

Bảng thông báo không bán, không mua các sản phẩm từ Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 16-7. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan ngại về quan hệ xấu đi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Donald Trump cho biết: “Hàn Quốc và Nhật Bản lúc nào cũng đấu đá nhau. Họ phải hòa thuận, nếu không sẽ đặt chúng tôi vào một tình thế rất xấu”.

Chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản cần tìm kiếm “những giải pháp sáng tạo” cho các bất đồng giữa hai nước sau khi Seoul xúc tiến những biện pháp trả đũa các quy định hạn chế xuất khẩu của Tokyo.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Là đồng minh và là bạn của cả Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ tin rằng điều quan trọng là cần phải đảm bảo các mối quan hệ bền vững và chặt chẽ giữa 3 nước. Đặc biệt, 3 nước chúng ta đứng trước những thách thức chung của khu vực, trong đó có những thách thức từ Triều Tiên, cũng như những ưu tiên khác của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Theo đó, Washington khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa 2 đồng minh châu Á này nhưng sẽ không đứng ra làm trung gian hòa giải hoặc phân xử tranh chấp giữa hai nước.

Từ đầu tháng 7 vừa qua, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bùng phát, khi Tokyo bắt đầu siết chặt quản lý xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng nguyên liệu cốt yếu trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số. Nhật Bản cũng tuyên bố loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi về các thủ tục xuất khẩu.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đã gây ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics...

Về phía Hàn Quốc, Seoul chỉ trích những động thái trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của Tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945).

Trong một động thái liên quan, mới đây, Hàn Quốc cũng tuyên bố loại Nhật Bản khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác được hưởng ưu đãi về các thủ tục xuất khẩu của Seoul. Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo đã công bố “Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược” với nội dung xóa tên Nhật Bản trong “Danh sách Trắng” các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Theo hướng dẫn hiện hành, Hàn Quốc phân loại các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu là “Khu vực A”, tương đương với khái niệm “Danh sách Trắng”, gồm các quốc gia tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế. Các nước còn lại được xếp vào “Khu vực B”. Tuy nhiên, với nội dung thay đổi lần này, Chính phủ Hàn Quốc phân nhỏ thành “Khu vực A-1”, “Khu vực A-2” và “Khu vực B”, tức chia thành ba khu vực.

“Khu vực A-2” sẽ bao gồm các nước mặc dù tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế, nhưng lại thực hiện không đúng chế độ kiểm soát xuất khẩu theo nguyên tắc quốc tế. Theo dự thảo trên, Nhật Bản bị xếp vào “Khu vực A-2”.

Khi bị xếp vào “Khu vực A-2”, hồ sơ đệ trình với mỗi đơn hàng cấp phép xuất khẩu sẽ phức tạp hơn, gồm 5 hồ sơ, thay vì chỉ 3 hồ sơ như “Khu vực A-1”. Thời hạn thẩm định cũng dài hơn, trong khoảng 15 ngày, thay vì chỉ 5 ngày như “Khu vực A-1”. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ thực thi nội dung sửa đổi trên trong tháng 9 tới, sau khi hoàn tất các quy trình.

Mới đây, Seoul cũng cảnh báo sẽ chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang. Điều này đồng nghĩa với việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự hàng năm giữa Nhật Bản với Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 8. Nhật Bản hiện vẫn muốn giữ thỏa thuận bất chấp mối quan hệ đang sóng gió với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng, không nên gửi các thông tin quân sự nhạy cảm tới một quốc gia thiếu sự tin cậy như Nhật Bản.

Những diễn biến trên đặt Mỹ vào tình thế khó khăn khi chưa tìm được giải pháp thỏa đáng để dung hòa hai nước đồng minh của Washington tại châu Á.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>