Bầu cử Nghị viện châu Âu: Phe cực hữu thắng thế

28/05/2019 | 08:08 GMT+7

Dấu ấn của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa chính thức khép lại là lượng cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong 25 năm qua và sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Các đảng phái lớn dù vẫn giữ thế đa số nhưng bị cạnh tranh gắt gao do sự trỗi dậy của phe cánh hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 diễn ra tại 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Vương quốc Anh, vừa kết thúc tối 26-5. Kết quả bầu cử đã lần lượt được công bố.

Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đã chiến thắng. Đảng này đã về nhất với 23,3% tổng số phiếu bầu của cử tri Pháp. Về thứ hai là liên minh giữa đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phong trào Dân chủ (LREM-Modem), giành được 22,1%.

Đây không phải là kết quả bất ngờ bởi hầu như tất cả các phân tích và thăm dò dư luận trước bầu cử đều nhận định đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” sẽ thắng tại Pháp.

Tại Đức, cường quốc số 1 châu Âu và cũng là nước có nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu (96 ghế), cuộc bầu cử châu Âu ghi nhận sự thăng tiến mạnh mẽ của đảng Xanh. Đảng này tuy chỉ về thứ hai nhưng giành được 20,9% số phiếu, cao gấp đôi kỳ bầu cử năm 2014.

Ngược lại, tuy về nhất nhưng liên minh cầm quyền là hai đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU và Xã hội Thiên chúa giáo CSU chỉ giành 28,6% phiếu, kém tới 7 điểm so với cách đây 5 năm. Một chính đảng truyền thống lớn khác của Đức là đảng Dân chủ xã hội SPD cũng đánh mất tới 12% so với năm 2014, chỉ về thứ ba năm nay với 15,3% phiếu bầu. Đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) về thứ 4 với 10,8%.

Tại Italia, nơi mà liên đảng cực hữu và dân túy đang nắm quyền và hiện được xem là thành trì của phe cực hữu - dân tộc chủ nghĩa tại châu Âu thì kết quả cũng không bất ngờ khi đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc của ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italia, về nhất với khoảng gần 30%. Tuy nhiên, đáng chú ý là đảng Dân chủ vượt lên đứng thứ hai với gần 25% số phiếu, trên cả đảng dân túy “Phong trào 5 sao”.

Tại Tây Ban Nha, đảng Xã hội của Thủ tướng Pedro Sanchez giành chiến thắng lớn với 30,3% số phiếu, vượt xa các đối thủ tiếp theo.

Tại Hà Lan, Công đảng chiến thắng với 18,1%, còn đảng bài châu Âu và theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa về thứ ba. Tại Áo, đảng theo xu hướng bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kurz cũng chiến thắng.

Cuối cùng, dù sắp rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng cuộc bầu cử tại Vương quốc Anh cũng rất đáng chú ý. Kết quả không nằm ngoài dự đoán khi đảng Brexit của chính trị gia Nigel Farage chiến thắng, còn hai chính đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập thất bại nặng nề, với nguyên nhân lớn nhất là sự bế tắc toàn diện của tiến trình Brexit trong 3 năm qua.

Về tổng thể, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 ghi nhận sự thất thế của các đảng trung dung tại châu Âu và sự thắng thế của phe cực hữu, bảo thủ. Nhóm các đảng Dân chủ - xã hội và nhóm đảng Nhân dân châu Âu dự kiến sẽ mất từ 50 đến 60 ghế trong khi nhóm Dân chủ - tự do, đảng Xanh và nhóm dân tộc chủ nghĩa thăng tiến mạnh. Điều này sẽ có tác động đến tiến trình ra chính sách tại châu Âu, khi các vấn đề về môi trường sẽ được ưu tiên nhiều hơn hay các chủ đề mà các đảng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu quan tâm như nhập cư, chống Hồi giáo hóa hay hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu... cũng sẽ được bàn thảo nhiều hơn.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử châu Âu củng cố nhận định rằng châu Âu đang ở một thời điểm rất nhạy cảm, với rất nhiều sự chia rẽ, phân hóa mang tính cực đoan và có thể chứng kiến các biến động lớn trong một vài năm tới. Điều này gây sức ép buộc không chỉ từng quốc gia mà cả các thiết chế của EU cũng sẽ phải cải tổ mạnh mẽ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>