Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng ra nhiều nước

04/06/2020 | 07:50 GMT+7

Sau cái chết của một thanh niên da màu tại Mỹ do cảnh sát gây ra, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc không chỉ lan rộng khắp nước Mỹ mà còn lây lan sang nhiều quốc gia khác.

Viên cảnh sát quỳ gối trước gương mặt đầy giận dữ của một người biểu tình ở cạnh Nhà Trắng, thủ đô Washington DC. hôm 31-5. Nguồn: AFP

Nhân tố châm ngòi các cuộc biểu tình là cái chết của người đàn ông da đen không có vũ khí trong tay tên là George Floyd. Floyd bị viên cảnh sát Derek Chauvin ở Minneapolis lấy đầu gối ghì vào cổ trong tư thế nằm sấp dưới đất gần 9 phút hôm 25-5, sau khi Floyd bị bắt giữ vì bị nghi ngờ dùng tiền giả để mua thuốc lá.

Cái chết của Floyd đã thổi bùng cơn thịnh nộ vẫn âm ỉ lâu nay trong dân chúng Mỹ về các vụ cảnh sát giết hại người Mỹ gốc Phi, đồng thời gợi nhớ các vụ việc từng gây rúng động như vụ Michael Brown bị cảnh sát sát hại ở Ferguson và Eric Garner bị cảnh sát ở New York giết chết, những sự việc từng làm dấy lên phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Sinh mạng của người da đen cũng có giá trị).

Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau làn sóng bạo động phản đối vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968. Làn sóng biểu tình ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31-5 đến nay, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và nhiều nước khác.

Mới đây, tại Pháp bất chấp các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực, nhưng khoảng 19.000 người, đa phần là giới trẻ, đã tập trung biểu tình tại thủ đô Paris và các thành phố khác như Marseille, Lille hay Lyon...

Các cuộc biểu tình đòi công lý liên quan đến nạn nhân Adama Traoré, một thanh niên da đen, 24 tuổi, tử vong sau khi bị thẩm vấn hồi năm 2016. Tuy nhiên, qua giám định pháp y, tòa án xác định không có trách nhiệm của lực lượng hiến binh quốc gia. Nhưng mới đây, gia đình nạn nhân tiếp tục yêu cầu giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết của thanh niên này. Kết quả giám định được công bố đầu tuần này cho thấy nạn nhân tử vong do bị cảnh sát chèn vào bụng trong lúc bị khống chế. Từ đó dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động ở nhiều nơi tại Pháp.

Trước đó, các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc cũng xuất hiện tại thành phố Perth của Australia và đã lan đến thành phố Sydney. Hàng nghìn người đang bất chấp cái lạnh buốt của tối mùa Đông để tuần hành tại một số địa điểm thuộc trung tâm thành phố Sydney phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ và kêu gọi Chính phủ Australia nỗ lực để làm giảm số người bản địa tử vong trong các nhà tù của nước này. Hiện những người bản địa chiếm 2% dân số Australia song lại chiếm tới 27% số người đang bị giam giữ trong các nhà tù của nước này, trong đó hơn 430 người đã thiệt mạng kể từ năm 1991 cho đến nay.

Theo truyền thông Australia, có khoảng 36.000 người dân nước này đã đăng ký tham gia các cuộc tuần hành trên khắp đất nước. Dự kiến vào thứ bảy tuần này, nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn hơn sẽ diễn ra ở nhiều thành phố lớn của Australia như Sydney, Melbourne, Adelaide và Canberra.

Trong một động thái liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ kiềm chế “sử dụng vũ lực thái quá”, sau khi Tổng thống Donald Trump nhắc đến khả năng đưa quân đội vào can thiệp khi làn sóng bạo động đang lan ra khắp nước Mỹ.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Người phát ngôn này nhấn mạnh: “Tình trạng bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến ở Mỹ rõ ràng là rất đáng quan ngại. Người dân phải được cho phép biểu tình ôn hòa”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng các cuộc biểu tình hòa bình tại Mỹ phản đối vụ sát hại George Floyd là “hoàn toàn chính đáng”. Ông Maas cũng hy vọng làn sóng biểu tình này sẽ không leo thang thành bạo động.

Theo giới quan sát, phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc sẽ còn lan rộng ra nhiều quốc gia khác nếu Mỹ áp dụng biện pháp mạnh đàn áp người biểu tình.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>