Bốn nước Arab chấp nhận đối thoại với Qatar

03/08/2017 | 08:14 GMT+7

Sau thời gian căng thẳng leo thang, mới đây bốn nước Arab đã chấp nhận đối thoại với Qatar. Đây có phải là sự nhượng bộ hay chỉ là động thái làm giảm căng thẳng có điều kiện ?

Ngoại trưởng các nước cấm vận Qatar tham gia họp báo chung tại Manama, ngày 30-7. 

Mới đây, Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa tuyên bố 4 nước Arab, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain, sẵn sàng đối thoại để làm dịu căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh nếu Qatar nhất trí với một số yêu cầu. Theo đó, ông al-Khalifa nhấn mạnh: “Bốn nước sẵn sàng đối thoại với Qatar với điều kiện nước này bày tỏ thiện chí chân thành sẵn sàng dừng việc hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đồng thời cam kết không can thiệp vào chính sách đối ngoại của các nước khác và phản hồi với 13 yêu cầu mà các nước Arab đưa ra”. Các nước Arab cũng lưu ý Qatar phải cam kết chống khủng bố; ngừng kích động và gây thù hận; tuân thủ hoàn toàn 2 thỏa thuận được ký tại Riyadh năm 2013 và 2014, tuân thủ các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Arab Hồi giáo diễn ra ở Riyadh hồi tháng 5-2017, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arab. Nhóm bốn nước Arab khẳng định rằng các biện pháp chống lại Doha được xem là “hành động chủ quyền quốc gia”, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước Arab và loại bỏ chủ nghĩa khủng bố nhằm đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực.

Trong một động thái liên quan gần đây, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cho biết sẽ cho phép máy bay của Qatar sử dụng các hành lang hàng không trong trường hợp khẩn cấp dưới sự giám sát của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Saudi Arabia còn thông báo, nước này đã mở cửa các hành lang hàng không khẩn cấp cho máy bay Qatar từ ngày 1-8. Theo SPA, có 9 hành lang hàng không khẩn cấp đã được xác định, trong đó có không phận quốc tế trên Địa Trung Hải do giới chức Ai Cập giám sát.

Những động thái trên cho thấy dù chưa chính thức tuyên bố nhưng 4 nước Arab đã phần nào xuống nước trong trừng phạt Qatar. Đây là tín hiệu khả quan cho tiến trình nối lại quan hệ ngoại giao giữa các nước Arab với Doha.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải Qatar cho hay, giới chức ngành hàng không nước này đã từ chối đề nghị của Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain. Trước đó, Doha cáo buộc các nước Arab có thái độ “cố chấp” và cho rằng sự can thiệp từ phía Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể giải tỏa được thế bế tắc hiện nay. Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman al-Thani nhấn mạnh: “Việc giải quyết xung đột hiện nay cần có vai trò của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ), Đại hội đồng LHQ và tất cả các cơ chế LHQ, vì các vi phạm vẫn tiếp diễn”.

Để giải quyết những căng thẳng giữa các nước Arab và Qatar, nhiều tổ chức và quốc gia liên quan đã vào cuộc làm trung gian hòa giải. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Matxcơva sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Qatar nếu nhận được yêu cầu. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực trung gian mà Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah đang thực hiện. Nếu tất cả các bên đều cho rằng Nga có thể làm điều gì đó có lợi, chúng tôi sẵn sàng hưởng ứng những lời kêu gọi như thế”.

Trước đó, cả Mỹ, Pháp và Anh cũng có những động thái tích cực nhằm tìm giải pháp bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab với Qatar. Mặc dù chưa có dấu hiệu căng thẳng hạ nhiệt, nhưng những động thái xuống nước gần đây của các nước Arab được dự báo sẽ mở ra tín hiệu mới để hàn gắn mối quan hệ của các quốc gia Arab với Qatar trong tương lai gần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>