Các nước Arab thế chân Mỹ tại Syria: “Bình mới nhưng rượu cũ”

20/04/2018 | 08:44 GMT+7

Đề xuất lực lượng của các nước Arab tham gia chiến trường Syria để quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông này là một ván bài cao tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời điểm hiện nay.

Tổng thống Donald Trump muốn rút lực lượng quân đội Mỹ khỏi Syria và đề xuất thay thế bằng lực lượng của các nước Arab. Ảnh: AP

Tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, cùng ứng cử viên Ngoại trưởng Mike Pompeo đang thúc đẩy việc xây dựng một liên minh các lực lượng quân đội Arab có thể “thế chân” Mỹ ở Syria và hoạt động như một lực lượng đảm bảo ổn định trong khu vực một khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại. Theo đó, Washington đang thúc đẩy một thỏa thuận với Saudi Arabia cùng các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để vừa đạt được mục đích rút quân đội Mỹ khỏi Syria, lại vừa giải quyết được danh sách dài các lo ngại mà giới chức an ninh Washington cảnh báo liên quan đến việc rút quân này.

Đổi lại Mỹ hứa hẹn sẽ cho Saudi Arabia quy chế đồng minh ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu họ đồng ý gửi lực lượng cũng như hỗ trợ tài chính tới Syria. Điều này đồng nghĩa Washington sẽ chính thức thừa nhận họ là đối tác quân sự chiến lược của Mỹ ở cấp độ đồng minh chủ chốt giống như Israel, Hàn Quốc và Jordan. Theo nhà phân tích về vấn đề Trung Đông của Mỹ, bà Nicholas Heras, quy chế đồng minh ngoài NATO là điều mà nhiều nước mong muốn và nếu Saudi Arabia trở thành đồng minh ngoài NATO của Mỹ, Washington sẽ trở thành “người bảo trợ cho an ninh của Saudi trong tương lai”.

Tuy nhiên, việc xây dựng một liên minh Arab tại Syria mà vẫn duy trì được lợi ích chiến lược của Mỹ trên thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều. Bà Heras cho rằng: “Trước tiên, liệu Mỹ có đặt niềm tin hoàn toàn vào bất cứ đồng minh khu vực nào khi tính đến việc ổn định Syria hay không”. Bởi hiện nay, các đối tác Arab có khả năng nhất cũng đang tham gia vào các cuộc xung đột khác trong khu vực. Đây có thể là viên kẹo bọc đường đối với Saudi Arabia, nhưng việc “bảo trợ” cho an ninh của Saudi Arabia cũng là cái giá lớn mà nhiều người coi là một khoản đầu tư rủi ro của Mỹ. Đáng lưu ý là Washington yêu cầu Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phải đóng góp khoản ngân sách hàng tỉ USD để hỗ trợ tái thiết khu vực miền Bắc Syria. Đây là vấn đề nhạy cảm đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của nhiều quốc gia trong khối nên rất khó tạo được sự đồng tình.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết, nước này sẵn sàng cử binh sĩ tới Syria bổ sung cho lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu nếu quyết định mở rộng liên quân được đưa ra. Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn muốn rút quân khỏi Syria, song chưa ấn định thời gian cụ thể. Do vậy về mặt lý thuyết cả Mỹ và các nước Arab đã đồng thuận thay thế nhau tại Syria chỉ còn chờ thời gian diễn ra.

Giới quan sát nhận định, mặc dù khó khăn do điều kiện khách quan và chủ quan nhưng khả năng lực lượng của các nước Arab “thế chân” Mỹ tại Syria hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu sự việc trên diễn ra, tình hình khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này chắc chắn vẫn không có sự cải thiện nào. Bởi lẽ, từ lâu nay Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn là “cái gai” trong mắt Mỹ và đồng minh nên luôn muốn lật đổ ông. Trong khi đó, sau khi đánh đuổi được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và dẹp loạn được phiến quân thì tình thế hiện nay ở Syria không ai khác hơn ông Assad mới đủ uy tín và điều kiện mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Do vậy việc lực lượng của các nước Arab thay thế quân đội Mỹ ở Syria giống như “bình mới nhưng rượu cũ” nên sẽ không cải thiện được tình hình bất ổn tại đây. Nhiều khả năng chính lực lượng này sẽ làm rối rắm thêm cuộc chiến đẫm máu đã bước sang năm thứ tám ở quốc gia này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>