Các nước đẩy nhanh sản xuất vắc-xin phòng Covid-19

29/04/2020 | 06:55 GMT+7

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian tìm kiếm vắc-xin và các loại thuốc đặc trị chống lại dịch Covid-19.

Nhiều công ty của Ấn Độ đã bắt tay vào việc sản xuất vắc-xin Covid-19. Ảnh: BBC

Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia đang thử nghiệm vắc-xin với kỳ vọng sẽ sớm đưa vào ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng để ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo đó, mới đây Đức đã đưa vắc-xin đầu tiên (vắc-xin thứ 4 trên thế giới) được cấp phép để thử nghiệm trên người.  Cơ quan Quản lý vắc-xin Đức cho biết trong giai đoạn 1, thử nghiệm vắc-xin có tên BNT-162 sẽ được tiến hành ở 200 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-55. Giai đoạn 2, quy mô thử nghiệm sẽ mở rộng sang những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Công ty BioNTech cho biết đang phát triển loại vắc-xin này và sẽ tiến hành thử nghiệm tại Mỹ ngay khi được cấp phép.

Còn bà Florence Ader, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm của Pháp, cho biết Viện Pasteur của Pháp sẽ thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 trên người trong mùa Hè năm nay. Bà Ader hiện đang là chủ nhiệm một nghiên cứu phối hợp với nhiều nước châu Âu khác thử nghiệm lâm sàng 4 liệu pháp điều trị Covid-19. Ngoài ra, bà Ader cho biết thêm hiện có 150 dự án phát triển vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn thế giới, với tổng cộng hơn 860 nghiên cứu tìm thuốc điều trị Covid-19 đang được tiến hành, trong đó Pháp có 30 nghiên cứu.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vắc-xin do Công ty Nghiên cứu và Phát triển dược phẩm Sinovac có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất. Bằng việc sử dụng các vi sinh vật gây bệnh đã chết để tạo miễn dịch, các vắc-xin bất hoạt này sở hữu lợi thế về quá trình sản xuất hoàn thiện, các tiêu chuẩn chất lượng có thể kiểm soát được và phạm vi bảo vệ rộng lớn. Chúng có thể được sử dụng cho chương trình tiêm chủng quy mô lớn, và tính an toàn cũng như hiệu quả có thể được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Ấn Độ và Mỹ đã hợp tác để phát triển vắc-xin chống lại Covid-19. Trong hơn 3 thập niên qua, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận nhiều chương trình phối hợp phát triển vắc-xin của Ấn Độ và Mỹ. Hai quốc gia này cũng đã bắt tay vào việc tạo vắc-xin nhằm “cản đường” của sốt xuất huyết dengue, bệnh cúm và lao phổi. Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất thuốc gốc và vắc-xin lớn nhất trên thế giới. Tại Ấn Độ, có nhiều nhà sản xuất vắc-xin lớn với các sản phẩm chống sởi, rubella, quai bị, bại liệt, viêm màng não…

Hiện tại, nhiều công ty của Ấn Độ đã khởi động nghiên cứu vắc-xin ngừa vi-rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Một trong số đó là Viện Serum Ấn Độ - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, mỗi năm sản xuất 1,5 tỉ liều vắc-xin cung cấp cho 165 quốc gia. 80% vắc-xin Viện Serum Ấn Độ sản xuất được xuất khẩu với giá thành được coi là rẻ nhất trên thế giới.

Viện Serum Ấn Độ cũng trở thành đối tác của Đại học Oxford (Anh) trong sản xuất vắc-xin. Thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người đã được Đại học Oxford thực hiện vào ngày 23-4. Nếu kết quả khả quan, các nhà khoa học hy vọng đến tháng 9 tới có thể sản xuất ít nhất 1 triệu liều.

Ngoài ra, còn có hàng chục dự án nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tạo ra vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, những nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 vẫn chưa thể đưa ra ứng dụng đại trà bởi còn phải kiểm chứng khoa học. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất là 18 tháng nữa mới có vắc-xin phòng dịch Covid-19. Mốc thời gian này được một số chuyên gia y tế coi là lạc quan.

Mặt khác, khi có vắc-xin rồi, yêu cầu đặt ra cho các nhà sản xuất là phải đẩy mạnh khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu rất lớn ở quy mô toàn cầu. Việc phân phối vắc-xin như thế nào cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi không thể đơn giản chỉ là đưa tới các nước có khả năng chi trả. WHO đang làm việc với lãnh đạo các nước và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo việc phân phối vắc-xin được thực hiện tới đúng nơi cần.

Hiện dịch Covid-19 đã lây lan ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, với hơn 3 triệu người mắc và hơn 211.000 người chết. Nhiều người kỳ vọng sẽ sớm có vắc-xin để thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>