Các quốc gia phản ứng trái chiều về giãn cách xã hội

06/05/2020 | 07:52 GMT+7

Mặc dù WHO đã cảnh báo có thể sẽ có làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 hoặc thứ 3 nhưng các quốc gia liên quan đều có phản ứng trái chiều.

Vắc-xin ngừa Covid-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Rockville, Maryland, Mỹ ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP  

Cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoàn toàn có cơ sở xuất phát từ những nguyên nhân chính sau. Thứ nhất là hiện chưa có vắc-xin nên nhiều khả năng dịch bệnh này sẽ còn tồn tại lâu dài. Thêm vào đó, tốc độ lây lan dịch bệnh tại mỗi quốc gia lại khác nhau và hệ thống y tế, cũng như khả năng chống chọi với dịch Covid-19 không như nhau.

Mặt khác, việc thiếu bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ sẽ làm gia tăng khả năng có làn sóng dịch thứ 2, thậm chí là thứ 3. Khi đó, những người dân tị nạn, hoặc những người mắc Covid-19 sẽ bị bỏ rơi. Chính vì vậy, bài học dành cho các nước là cần xem việc chống lại dịch Covid-19 là trọng điểm trong kế hoạch quản lý của mình.

Hiện tại, tổng số cas mắc Covid-19 trên toàn cầu là hơn 3,6 triệu trường hợp, trong đó có hơn 251.000 cas tử vong, gần 1,2 triệu bệnh nhân bình phục hoàn toàn và gần 50.000 người đang nguy kịch. Con số này đang gia tăng từng giờ và có nhiều quốc gia đang lâm vào tình cảnh khó khăn do thiếu nhân lực, thiết bị y tế… để chống dịch.

Tuy nhiên, phản ứng của các quốc gia trước dịch Covid-19 hoàn toàn khác nhau. Trong tuyên bố được đưa ra mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà thờ Hồi giáo và trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-5. Bộ Y tế Iran đã chia đất nước thành các khu vực trắng, vàng và đỏ dựa trên số cas nhiễm và tử vong do dịch Covid-19. Lệnh nới lỏng mới này sẽ được áp dụng cho các khu vực có mức độ lây nhiễm thấp. Iran hiện có hơn 97.000 cas nhiễm Covid-19, hơn 6.000 người tử vong.

Tương tự Iran, nhiều nước tại châu Âu, sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5.

Tại Italia, người dân có thể đi thăm gia đình và gặp gỡ người thân với số lượng hạn chế. Các công viên sẽ mở cửa trở lại nhưng vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối cho đại lý được phép hoạt động từ ngày 4-5. Các quán bar, nhà hàng và các cơ sở thẩm mỹ chỉ được bán cho khách hàng mang về, việc mở lại hoàn toàn phải đợi tới ngày 1-6. Vào ngày 18-5, tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, bảo tàng, địa điểm văn hóa và thư viện có thể mở cửa trở lại. 

Ngoài ra, Đức, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp… đều đã nới lỏng các lệnh phong tỏa đi kèm với việc cho phép người dân được ra ngoài và một số cửa hàng, bảo tàng, quán bar vườn và nhà hàng, cũng như các khách sạn được phép mở cửa trở lại ở mức hạn chế nếu đáp ứng các điều kiện an toàn.

Trong khi đó, một số quốc gia khác thận trọng hơn khi vẫn giữ các lệnh phong tỏa. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chính thức quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đối với tất cả 47 tỉnh, thành trên cả nước tới 31-5 nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Còn tại Nga, các biện pháp hạn chế sẽ được gỡ bỏ từng phần cho đến khi có vắc-xin mới gỡ bỏ hoàn toàn. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 4-5 cho biết một phần các biện pháp hạn chế ở nước này sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến khi có vắc-xin ngừa vi-rút SARS-CoV-2. Người đứng đầu Bộ Y tế Nga cũng cảnh báo không loại trừ khả năng đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát.

Tại Malaysia, gần 500.000 người đã ký tên thỉnh nguyện thư đề nghị tiếp tục thực hiện biện pháp hạn chế đi lại nhằm phòng ngừa Covid-19 sau khi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo hầu hết cơ sở kinh doanh sắp được phép mở lại.

Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp với nhiều nguy cơ sẽ tái bùng phát mới nếu các quốc gia liên quan lơ là các giải pháp phòng tránh. Thận trọng khi nới lỏng các giải pháp giãn cách xã hội là vấn đề cần quan tâm hiện nay đối với mọi quốc gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>