Cách nào để Bolivia thoát khủng hoảng ?

18/11/2019 | 08:14 GMT+7

Chính phủ lâm thời Bolivia và các nhà lập pháp thuộc Đảng Phong trào vì chủ nghĩa xã hội của cựu Tổng thống Evo Morales đã đạt được thỏa thuận tổ chức bầu cử sớm nhằm giải quyết khủng hoảng.

Lực lượng an ninh đụng độ người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales ở tỉnh Chapare, Bolivia. Ảnh: AFP

Thỏa thuận hôm 14-11 dự kiến giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tổng thống lâm thời Jeanine Anez trước đó cho biết bà muốn hàn gắn với đảng của ông Morales, nhưng ông Morales sẽ không được hoan nghênh ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 4, vì ông vi phạm giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.

Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình tuần hành trên đường phố thủ đô La Paz để ủng hộ ông Morales, đồng thời kêu gọi ông về nước và phản đối tổng thống lâm thời. Đụng độ giữa lực lượng an ninh và nông dân trồng coca trung thành với cựu Tổng thống Evo Morales đã khiến khoảng 9 người thiệt mạng, 100 người bị thương trong những ngày qua.

Cựu Tổng thống Bolivia chỉ trích những hành động được ông coi là đàn áp người bản địa do chính quyền Tổng thống lâm thời Jeanine Anez tiến hành.

Gần 14 năm nắm quyền của Evo Morales được coi là bước đột phá đối với Bolivia, khi 3/4 dân số quốc gia Nam Mỹ này là người bản xứ hoặc được xác định là thành viên của các nhóm bản địa. Giờ đây, khi Morales từ chức và sang Mexico tị nạn, những người ủng hộ ông lo sợ mất đi lợi ích chính trị và kinh tế mà họ từng chật vật mới có được.

Nỗi sợ hãi của họ gia tăng sau khi Phó Chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez thuộc đảng Liên minh Dân chủ đối lập, người nổi tiếng vì nhiều lần chỉ trích Morales, nhanh chóng tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời hôm 13-11.

Anez hứa sẽ đoàn kết đất nước và kêu gọi tổ chức bầu cử vào tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, không ai trong số 11 bộ trưởng mà bà chọn vào nội các mới là người bản địa.

Tôn giáo là một phần trong sự chia rẽ tại Bolivia hiện nay. Quan hệ giữa Morales và Giáo hội Công giáo Roma khá căng thẳng do ông khuyến khích tổ chức những nghi lễ truyền thống của người Aymara tại dinh tổng thống, dù chúng bị coi là tà đạo ở quốc gia mà Công giáo bám rễ từ thế kỷ XVI.

Còn bà Anez, trong lễ tuyên thệ nhậm chức, đã cầm theo một cuốn Kinh thánh cỡ lớn, với một phụ tá cầm thánh giá đứng cạnh. Dù đa số người Bolivia coi mình là Kitô hữu, việc bà Anez, một chính trị gia Công giáo bảo thủ, lên nắm quyền được coi là dấu hiệu cho thấy văn hóa châu Âu một lần nữa lấn át văn hóa truyền thống Bolivia.

Diego von Vacano, nhà khoa học chính trị tại Đại học Texas A&M, Mỹ, so sánh mâu thuẫn sắc tộc ở Bolivia với nạn phân biệt chủng tộc Apartheid ở châu Phi, khi những người bản địa từng bị coi là “công dân hạng hai”.

Chuyên gia cho hay: “Morales có vai trò quan trọng khi vươn lên vị trí lãnh đạo và mang lại nhiều điều tích cực cho người bản địa. Morales cũng phân phối lại nguồn thu dồi dào từ khí đốt của đất nước cho cộng đồng người bản địa, đồng thời dẫn dắt quá trình phục hưng ẩm thực, âm nhạc và trang phục truyền thống. Lá cờ wiphala kẻ carô nhiều màu đại diện cho sự đa dạng của các dân tộc bản địa trở thành cờ chính thức xuất hiện bên cạnh quốc kỳ Bolivia. Những chính sách này biến Morales thành thần tượng của cộng đồng bản địa”.

Tuy nhiên, Vacano cho biết khi Morales dần mất quyền lực trong vòng ba năm qua, ông đã vận động nhóm người này bằng những phát ngôn phân biệt chủng tộc nhằm củng cố sự ủng hộ, khiến xã hội thêm chia rẽ. Chúng gây phẫn nộ với những người Bolivia đa nguồn gốc hoặc tới từ châu Âu. Họ cáo buộc Morales thiên vị sắc tộc và lợi dụng mâu thuẫn này vì lợi ích chính trị.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc nói bạo lực ở Bolivia có thể vượt ngoài tầm kiểm soát sau các vụ đụng độ giữa nông dân và lực lượng an ninh. Phái viên Liên Hiệp Quốc Jean Arnault thông báo một nhóm chuyên viên sẽ họp với các chính trị gia và tổ chức xã hội Bolivia vào ngày 17-11 để chấm dứt bạo lực, thúc đẩy “các cuộc bầu cử tự do và minh bạch”.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>