Căng thẳng giữa Liên quân Arab và Yemen leo thang

10/11/2017 | 08:19 GMT+7

Với vai trò tham chiến giúp Yemen tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phiến quân, nhưng thời gian gần đây, căng thẳng giữa Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu và Yemen đang leo thang.

Binh sĩ Yemen. Nguồn: THX/TTXVN

Sự việc diễn ra sau khi 1 tên lửa đạn đạo được phóng đi từ Yemen nhắm vào thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 4-11 vừa qua. Quân đội Saudi Arabia đã đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo này trước khi bay vào thủ đô Riyadh. Nhiều mảnh vỡ của tên lửa cũng đã rơi xuống sân bay quốc tế ở Riyadh, không có thương vong cũng như không có thiệt hại lớn về tài sản từ vụ việc này. Mặc dù, nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận thực hiện vụ tấn công tên lửa này nhưng Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu cũng tuyên bố đóng các cửa khẩu, cảng biển và sân bay của nước này. Người phát ngôn của Liên minh Arab, Đại tá Turki al-Maliki cho biết sẽ tạm đóng các cửa khẩu với Yemen, đồng thời cáo buộc Iran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho phiến quân Houthi tại Yemen và các đồng minh.

Hành động đóng các cửa khẩu, cảng biển và sân bay của quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này có tác động rất lớn tới Yemen, nhất là trong giai đoạn họ rất cần sự cứu trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế. Mới đây, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết việc Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu phong tỏa các biên giới trên đất liền, trên không và trên biển của Yemen đã khiến tổ chức này không thể thực hiện các chuyến bay cứu trợ nhân đạo tới quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Theo đó, hai chuyến bay chở hàng cứu trợ của LHQ đã không thể cất cánh do không được cấp phép bay vào vùng cấm, nơi có khoảng 7 triệu người đang bị thiếu lương thực trầm trọng. LHQ đã kêu gọi liên quân nới lỏng các hoạt động phong tỏa càng sớm càng tốt, vì việc kiềm tỏa mọi ngả đường vào Yemen tiếp tục đe dọa hàng triệu dân thường hiện đang bên bờ vực của nạn đói nghiêm trọng ở nước này. Trước đó, hãng Hàng không Quốc gia Yemen (Yemenia Airlines) cũng đã hủy tất cả các chuyến bay tới 2 sân bay duy nhất đang hoạt động của nước này là Aden và Sayoun, đều nằm trong khu vực do liên quân giám sát ở miền Nam Yemen. Mới đây, dưới tác động của LHQ, Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã cho phép nối lại hoạt động tại cảng biển Aden ở miền Nam, đồng thời cho rằng việc đóng cửa biên giới Yemen chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, nhưng đã tác động rất lớn đến quốc gia này, nhất là những người dân vô tội đang chờ cứu trợ.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3-2015, Liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.

Trong một động thái liên quan, mới đây lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shi’ite ở Yemen tiếp tục đe dọa sẽ tấn công các cảng biển và sân bay tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), làm dấy lên những quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột đẫm máu tại quốc gia này. Trong đó, không loại trừ khả năng căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia sẽ leo thang vì những cáo buộc Tehran hỗ trợ vũ khí cho phiến quân. Tuy vậy, Tehran đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng cáo buộc này là “trái với thực tế”.

Điều đáng quan ngại là, căng thẳng ngày một leo thang giữa Saudi Arabia và Iran, hai nước sản xuất dầu mỏ lớn của khu vực đã đẩy giá dầu gần đây tăng lên gần mức cao nhất trong vòng 2 năm qua và làm chao đảo các thị trường vùng Vịnh. Nếu không sớm hạ nhiệt căng thẳng, tình hình sẽ càng xấu hơn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế toàn vùng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>