Căng thẳng khủng hoảng tại Venezuela

05/02/2018 | 08:49 GMT+7

Venezuela là quốc gia 30 triệu dân với trữ lượng dầu mỏ thuộc hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế, xã hội tại đây đang khiến cho đất nước này lao dốc, cuộc sống người dân lao đao.

Biểu tình tại Venezuela.

Theo báo cáo của tổ chức quốc tế, có khoảng 5-6 trẻ em Venezuela chết vì đói mỗi tuần trong năm 2017. Trung bình khoảng 4,5 triệu trẻ Venezuela chỉ được ăn 1 lần/ngày, một số thậm chí cách 2 ngày mới được ăn. Đến cuối năm 2017, 80% người dân nước này bị các bệnh cơ bản, như: đái tháo đường, tiêu chảy, cao huyết áp và nhiễm trùng hô hấp nhưng không có thuốc điều trị. Tồi tệ hơn, việc thiếu thuốc tránh thai đang làm gia tăng tỷ lệ sinh đẻ tại đây, trong khi bao cao su đắt đỏ lại khiến dịch bệnh lây qua đường tình dục tăng cao. Thậm chí, rất nhiều bệnh nhân đang phải sử dụng thuốc quá hạn để điều trị do không còn đủ thuốc men cung cấp.

Từ khi chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro ra lệnh cho hơn 200 siêu thị phải giảm giá sâu trở lại ngay mức giá cũ hồi tháng trước. Hàng ngàn người dân tranh thủ đổ xô đi mua hàng về trữ. Những ai chậm chân sẽ không còn gì để mua. Trong khi đó, chi phí chung trên thị trường vẫn cao ngất ngưởng, tiền mất giá nên các siêu thị không thể nào lấp đầy các quầy hàng. Những hình ảnh người dân phải bới rác, ăn trộm trái cây hay giành giật nhau thực phẩm đang lan tràn trên mạng xã hội cũng như truyền thông. Những nghiên cứu của các nhà xã hội học cho thấy khoảng 2 triệu người đã rời bỏ Venezuela kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền, nhưng chính phủ nước này phủ nhận thông tin trên.

Còn theo báo cáo của HRW Americas cho thấy năm 2017, khoảng 124 người biểu tình đã thiệt mạng và 2.000 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Trong khi đó, số liệu của tổ chức OVV cho thấy khoảng 28.479 người Venezuela đã thiệt mạng năm 2016 và số vụ tử vong nhiều nhất là ở chính thủ đô Caracas. Nếu so sánh với tổng dân số, tỷ lệ tử vong của Venezuela vào khoảng 91,8 trên mỗi 100.000 người, mức cực kỳ cao trên thế giới.

Venezuela có nhiều dầu khí thuộc hàng nhất thế giới nhưng có một điều trớ trêu là quốc gia này đang ngày càng bơm ít dầu hơn. Sản lượng khai thác dầu của nước này trong tháng 12-2017 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, làm giảm lượng ngoại hối thu được và trầm trọng hơn tình hình bất ổn trong nước. Việc Venezuela không còn đủ khả năng giữ sản lượng như trước là do thiếu các nguyên liệu đầu vào như điện năng, nhân công… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là nước này sẽ tiếp tục thiếu tiền trả nợ, qua đó tạo nên một vòng tuần hoàn. Mặc dù chính phủ nước này đã ngừng công bố tỷ lệ lạm phát hơn 1 năm nay nhưng dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy con số này có thể đạt 2.350% vào năm 2018.

Nguyên nhân nào khiến Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng như vậy? Còn nhớ 17 năm trước, thiếu tá Hugo Chaves lên nắm quyền Tổng thống tại Venezuela và công bố một loạt chính sách xã hội rất hiệu quả và được lòng Nhân dân trong nước. Ông Chavez đã đứng ra bảo trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội dành cho những người nghèo đói nhất trong xã hội và điều hàng nghìn binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nước này tham gia vào việc tu sửa đường sá, cầu cống, bệnh viện, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp chăm sóc y tế và vắc-xin miễn phí cũng như bán thực phẩm với giá rất thấp cho người dân. Các chương trình phúc lợi này đã giúp ông Chavez liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo và nắm quyền Tổng thống trong suốt 15 năm trước khi bất ngờ qua đời vì căn bệnh ung thư năm 2013.

Người kế nhiệm và cũng chính là học trò của ông Chavez, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro không có được “sự cuốn hút và sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng” như người thầy của mình.

Mọi chuyện càng tệ hơn đối với ông Maduro khi giá dầu mỏ thế giới “tuột dốc không phanh” phá vỡ mọi nền tảng mà ông Chavez gây dựng trong gần một thập kỷ rưỡi và khiến nền kinh tế và xã hội nước này “rơi thẳng xuống địa ngục”.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>