Căng thẳng  Nga - Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt

13/12/2017 | 07:29 GMT+7

Giới quan sát đều cho rằng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền thì quan hệ Mỹ - Nga sẽ được cải thiện, tuy nhiên nhận định trên hoàn toàn sai khi hiện nay quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn đang khủng hoảng giống như cách đây 1 năm, vào cuối nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.   Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu hiện rõ nét nhất trong năm 2017 là thế đối đầu giữa Nga và Mỹ khiến lòng tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng. Điều này dẫn đến việc cả Matxcơva và Washington không thể hợp tác với nhau, cả ở cấp độ song phương lẫn trong các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, đối với những vấn đề quốc tế nóng như tình hình bán đảo Triều Tiên, Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran hay cuộc xung đột Trung Đông, Nga và Mỹ chẳng những không phối hợp được với nhau mà còn luôn trong tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Sở dĩ mâu thuẫn Nga - Mỹ càng gia tăng xuất phát từ chuỗi sự kiện liên quan. Trước tiên là việc Crimea tự nguyện sáp nhập Nga hơn 3 năm trước. Tiếp sau đó là nội chiến ở miền Đông Ukraine kéo dài mà phương Tây cho là do Nga giật dây. Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker, nhận định rằng cuộc xung đột âm ỉ tại Ukraine đã phá hỏng mối quan hệ giữa Washington - Matxcơva. Gần đây nhất là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ với sự chiến thắng tuyệt đối của ông Donald Trump mà Washington cho là có sự can thiệp của Matxcơva, mặc dù không có bằng chứng nào để cáo buộc Nga có liên quan. Hệ lụy của những bất đồng trên làm cả Mỹ và Nga liên tục có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Quan hệ Nga - Mỹ năm 2017 đã “lao dốc” không phanh, khiến vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump phải thừa nhận: “Mối quan hệ giữa Matxcơva và Washington đang ở mức thấp chưa từng thấy và rất nguy hiểm”.

Đỉnh điểm của căng thẳng là việc hai viện Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 vừa qua đã thông qua luật siết chặt trừng phạt Nga kèm theo những điều khoản đặt Tổng thống Trump vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” buộc phải ký ban hành. Nga coi đây là đòn “khiêu chiến”, khiến Matxcơva ra quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga tiếp tục sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Matxcơva. Đáp lại, lập tức Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco, cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York.

Trên lĩnh vực kinh tế, căng thẳng giữa Nga và Mỹ cũng trở nên gay gắt hơn. Hai bên tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Thậm chí Mỹ còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng và xuất khẩu vũ khí. Matxcơva cáo buộc Washington cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng công cụ trừng phạt nhằm chiếm ưu thế trên thị trường vũ khí thế giới và “hất” Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Đáng quan ngại và nguy hiểm nhất mang tính toàn cầu là việc chạy đua vũ trang trong đó có vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Đây là hai cường quốc sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân của thế giới, cũng là hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Cả Nga và Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước về tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) mà Mỹ và Liên Xô đã ký năm 1987, vốn được coi là “hòn đá tảng” trong tiến trình hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân. Mới đây, Mỹ tuyên bố xem xét phát triển các hệ thống tên lửa tầm trung được phóng từ mặt đất, những thiết bị sẽ giúp Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh, đồng thời Washington đe dọa rút khỏi INF. Điều này đang đặt an ninh và sự ổn định trên thế giới vào tình thế nguy hiểm. Tương tự, nếu Mỹ rút khỏi INF thì Nga cũng sẽ làm theo. Điều này sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang càng trở nên gay gắt.

Mặc dù cả Nga và Mỹ đều biết rất rõ đối đầu và trừng phạt lẫn nhau đều dẫn đến thiệt hại nhiều mặt về kinh tế, quốc phòng và đối ngoại… đối với cả hai quốc gia mà không mang lại lợi ích nào. Tuy nhiên, vòng xoáy từ các phe phái đối lập về ý thức hệ và mâu thuẫn nội bộ Mỹ đã cuốn hút Washington và Matxcơva tiếp tục đối đầu. Tất cả những diễn biến trên khiến quan hệ Nga - Mỹ đang sa vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới. Tương lai quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này trong năm 2018 sẽ còn ảm đạm hơn nếu các bên liên quan thiếu thiện chí hòa giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>