Căng thẳng ở miền Đông Ukraine: Giải pháp nào hạ nhiệt ?

12/07/2017 | 08:26 GMT+7

Mặc dù có quá nhiều giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng nhưng đến nay nội chiến ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Lực lượng binh sĩ Ukraine. Nguồn: Mod DB

Mới đây, Mỹ có kế hoạch sẽ làm việc với nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Pháp, Đức, Ukraine, Nga) nhằm nỗ lực giải quyết tình hình tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Trong các cuộc tranh luận của chúng tôi với ban lãnh đạo Nga, tôi đã nhiều lần nói rằng, Nga cần tiến hành những bước đi đầu tiên để giảm leo thang ở miền Đông Ukraine, cụ thể là ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng, tạo điều kiện cho các thanh sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hoàn thành công việc của họ”. Theo đó, dự kiến lãnh đạo các nước nhóm Bộ tứ Normandy sẽ có một cuộc điện đàm trong tháng 7 này, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh sau cuộc điện đàm.

Trong một động thái liên quan, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã và đang bị các bên liên quan vi phạm. Điều này đã gây lo lắng cho các quan sát viên an ninh của châu Âu đang làm nhiệm vụ tại đây vì phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng. Ông Stoltenberg nêu rõ: “Rõ ràng là lệnh ngừng bắn đang không được duy trì và chúng tôi quan ngại trước các mối đe dọa gia tăng nhằm vào các quan sát viên của OSCE”. Tổng Thư ký NATO cũng cam kết liên minh này sẽ hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy đẫm máu do các phần tử ly khai Nga tiến hành ở khu vực miền Đông nước này.

Nội chiến ở Ukraine được cho là khởi đầu từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và sau đó nhiều tỉnh ở miền Đông nước này đòi tự trị dẫn đến xung đột với quân đội chính phủ. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine nên đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Matxcova từ năm 2014. Phương Tây gắn hiệu lực thực thi các biện pháp trừng phạt với việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk (các bên ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi miền Đông Ukraine). Để trả đũa các lệnh trừng phạt trên, Nga đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ những nước áp đặt biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga. Đồng thời, Matxcova liên tục phản đối và tuyên bố rằng yêu cầu của phương Tây hoàn toàn vô lý, bởi Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nga cũng cảnh báo việc  trừng phạt là phản tác dụng.

Mới đây, trong phiên họp thứ 26 Đại hội đồng Nghị viện của OSCE đã thông qua Nghị quyết về “Khôi phục chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Điều này đồng nghĩa với việc các tỉnh miền Đông và cả bán đảo Crimea (đã sáp nhập vào Nga) vẫn thuộc chủ quyền Ukraine mặc dù kể từ tháng 11-2014, chính phủ Ukraine đã chấm dứt chi trả lương cho công chức tại các tỉnh miền Đông.  Phía Nga đã kịch liệt phản đối Nghị quyết này. Phó Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) Peter Tolstoy cho biết, Nga kịch liệt phản đối cách diễn giải “khiếm nhã” liên quan việc Crimea sáp nhập Nga và cho rằng nội dung một số điểm trong Nghị quyết là không thể chấp nhận đối với Nga. Matxcova cũng khẳng định cần phải thực thi các biện pháp hữu hiệu, làm nền tảng để thực thi một lệnh ngừng bắn thực sự trên chiến trường, cũng như đảm bảo việc rút khí tài quân sự ra khỏi khu vực chiến tuyến.

Về vấn đề trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhóm Bộ tứ Normandy trong việc giải quyết cuộc xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine, đồng thời cam kết sẽ giúp đỡ những người dân phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Thực tế cả phương Mỹ, phương Tây và Nga đều nhận thức rõ áp đặt lệnh trừng phạt lẫn nhau sẽ không hiệu quả mà hệ lụy của nó sẽ gây ra tác hại giữa các bên liên quan, đặc biệt là khó hạ nhiệt căng thẳng ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, một giải pháp hòa bình đang được người dân nơi đây mong chờ. Ngồi lại bàn đàm phán tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan sẽ là giải pháp khả thi hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>