Căng thẳng ở Trung Đông

05/01/2020 | 12:21 GMT+7

Sự chú ý của cả thế giới vẫn đang hướng vào khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang đến mức nguy hiểm giữa Mỹ và Iran. Điều gây lo ngại nhất lúc này là liệu cuộc đối đầu có dẫn đến nguy cơ đụng độ quân sự giữa 2 nước hay không?

Tướng Suleimani đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại Sân bay Quốc tế Baghdadi, Iraq sáng 3-1.

Trong những ngày qua liên tục có những diễn biến dồn dập liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, mà được quan tâm nhất là liệu Iran sẽ làm gì, sau khi vị tướng hàng đầu của nước này bị Mỹ sát hại.

Iran đã có một số động thái đầu tiên, đó là họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, bổ nhiệm người thay thế tướng Soleimani, tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng niệm tướng Soleimani. Trên thực địa, máy bay chiến đấu F14 của Iran đã được điều tới biên giới ngay từ 3-1 và được đặt trong tình trạng báo động.

Iran đã tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khiến tướng Soleimali thiệt mạng. Tư lệnh mới của lực lượng Quds, tướng Esmail Ghaani mới đây đe dọa: “Hãy chờ xem, thi thể người Mỹ rồi sẽ trải khắp Trung Đông”. Điều đó đồng nghĩa Iran và các lực lượng thân tín của họ trong khu vực sẽ tiến hành trả đũa bằng một loạt các chiến dịch ám sát, tiêu diệt các quan chức cấp cao, nhà ngoại giao hay tướng lĩnh quân đội Mỹ và xa hơn, hình thức ám sát, tiêu diệt các cá nhân của nhau sẽ trở thành một cách thức phổ biến trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.

Ở góc độ này, có thể thấy hệ lụy của việc Mỹ sát hại tướng Soleimani quả thật nguy hại. Trước đó, Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố và Iran cũng đã làm điều tương tự với quân đội Mỹ, nên 2 nước đều cho rằng mình có đủ lý lẽ để tiến hành các chiến dịch tiêu diệt lẫn nhau. Dĩ nhiên, Iran không nhất thiết sẽ phải hành động ngay. Họ sẽ chờ đợi thời điểm thích hợp cho các chiến dịch của mình. Như vậy, có thể hiểu là đáp lại một vụ ám sát lớn sẽ là các cuộc ám sát và tấn công ở các mức độ khác nhau.

Nguy cơ của những hành động trả đũa từ phía Iran chính là điều đang gây lo ngại trong nội bộ nước Mỹ lúc này, cho dù Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định của mình sau vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani.

Về phía Mỹ,  trước mắt, quân đội Mỹ lún sâu hơn vào Trung Đông bất kể ông Trump thường xuyên tuyên bố muốn chấm dứt các cuộc chiến kéo dài mà Mỹ đang dính vào và đưa binh sĩ Mỹ trở về nhà. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 3-1 tuyên bố gần 3.000 binh sĩ đang được điều động thêm tới Trung Đông. Lữ đoàn Lực lượng Phản ứng tức thì (IRF) đến từ Đơn vị Không vận 82 này sẽ có mặt ở Kuwait và chịu trách nhiệm bảo vệ nhân viên và cơ sở Mỹ trước “các mối đe dọa đang tăng” trong khu vực.

Các nước trên thế giới hiện đang theo dõi sát căng thẳng lần này, với lời kêu gọi 2 bên kiềm chế.

Giáo sĩ dòng Shi’ite hàng đầu của Iraq, ông Al-Karbalaie hôm qua đã lên án cuộc không kích của Mỹ, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại vụ không kích của Mỹ khiến Tướng Soleimani thiệt mạng có nguy cơ đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về vụ không kích của Mỹ. Ông Putin bày tỏ lo ngại hành động trên của Mỹ có thể khiến tình hình trong khu vực xấu đi nghiêm trọng. Còn nhà lãnh đạo Pháp thúc giục các bên liên quan tránh mọi hành động có thể khiến tình hình thêm leo thang căng thẳng.

Bà Amélie de Montchalin, Bộ trưởng châu Âu của Pháp, nói: “Đây là bước leo thang tiếp theo của Mỹ và Iran vốn đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Những gì đang xảy ra khiến chúng tôi hết sức quan ngại. Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng, ưu tiên của chúng tôi là ổn định khu vực và tạo điều kiện tốt nhất để đạt được mục tiêu này”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>