Cảnh báo về bệnh gây chết chóc còn hơn Covid-19

26/04/2020 | 11:22 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo bệnh sốt rét đang bùng phát ở khu vực Hạ Sahara châu Phi, có thể người chết tăng gấp đôi lên 769.000 người trong năm nay.

Nhân viên y tế cộng đồng giúp người dân uống thuốc phòng căn bệnh sốt rét tại Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 20-8-2019.      Ảnh: AFP

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đáng quan ngại này là do các nỗ lực kiềm chế dịch bệnh sốt rét đang bị phá vỡ bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới gây ra (dịch Covid-19). Theo hãng thông tấn Reuters, khu vực này hiện có hơn 25.000 cas nhiễm Covid-19 đã được xác nhận, với hơn 1.200 cas tử vong, và các chính phủ đang hợp tác cùng các tổ chức như WHO tập trung giải quyết đại dịch Covid-19.

WHO viện dẫn mô hình phân tích xem xét 9 kịch bản gián đoạn việc cung cấp những công cụ then chốt giúp kiểm soát bệnh sốt rét trong thời kỳ dịch Covid-19 tại 41 quốc gia, cùng nguy cơ số cas mắc sốt rét và cas tử vong kéo theo đó.

Theo kịch bản tồi tệ nhất, tất cả các chiến dịch phân phát màn chống muỗi bị đình trệ và nguồn cung các loại thuốc chống sốt rét giảm 75%, số cas tử vong do bệnh sốt rét tại khu vực Hạ Sahara năm 2020 ước tính sẽ lên tới 769.000 người.

“Đây sẽ là số người chết cao nhất ở khu vực này kể từ năm 2000”, bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho hay. Bà lên tiếng kêu gọi tất cả các nước đảm bảo các công tác cần thiết để ngăn chặn bệnh sốt rét cần được tiếp tục.

Theo hãng tin Reuters, trong năm 2018, có khoảng 213 triệu cas sốt rét và 360.000 cas tử vong là ở khu vực châu Phi, chiếm hơn 90% tổng số cas trên toàn cầu. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất của bệnh sốt rét là trẻ em và những người nghèo.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 8-2019, WHO nói rằng, trong giai đoạn từ 2000-2015, thế giới đã đạt được tiến triển to lớn trong việc giảm hẳn số cas tử vong và nhiễm mới bệnh sốt rét. Tuy nhiên, trong hai năm qua, cuộc chiến đang chững lại trên toàn cầu.

Với tình hình này, hai mục tiêu cơ bản của Chiến lược toàn cầu chống sốt rét giai đoạn 2016-2030 do WHO đưa ra, là giảm ít nhất 40% tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét vào năm 2020, chắc chắn không thực hiện được, trong khi mục tiêu đến năm 2030 giảm 90% số cas mắc mới và tử vong, cũng có nguy cơ cao bị bỏ lỡ.

Năm 2018, quỹ toàn cầu nhằm kiểm soát và chấm dứt bệnh sốt rét nhận được 2,7 tỉ USD tài trợ, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5 tỉ USD trong chiến lược toàn cầu của WHO.

Gần 70% số tiền này là từ các nguồn quốc tế. WHO cho biết để đầu tư cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, kiểm soát các mối nguy cơ gây bệnh, sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị sốt rét hiệu quả, tiến tới xóa bỏ căn bệnh này, từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoản tài chính trị giá 34 tỉ USD phân bổ cho 29 quốc gia đang bị sốt rét tấn công nặng nề nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19 và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu, nguồn tài trợ cho quỹ chống sốt rét sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những thách thức đó khiến sốt rét trở thành “căn bệnh bị lãng quên”, dù rằng WHO cảnh báo căn bệnh cũ này có thể gây chết chóc khủng khiếp hơn Covid-19 tại châu Phi.

Sốt rét là một bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium. Bệnh phổ biến ở khu vực Trung và Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và vùng Thái Bình Dương. Chỉ có một số chủng gây bệnh và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào từng loại chủng khác nhau. Sau lần nhiễm đầu tiên được điều trị, một số chủng có một giai đoạn không hoạt động tồn tại trong cơ thể và gây bệnh về sau. Điều này được gọi là tái phát bệnh sốt rét.

Bệnh sốt rét lây truyền từ người sang người qua trung gian là muỗi Anopheles. Muỗi nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét khi đốt một người có ký sinh trùng trong máu. Sau 10-18 ngày, khi muỗi đốt một người khác, ký sinh trùng có thể lây sang người đó. Bệnh này không lây từ người sang qua tiếp xúc thông thường.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>