Cánh cửa Brexit đang rộng mở

15/01/2020 | 18:12 GMT+7

Việc Hạ viện đã thông qua Dự luật Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đã mở toang cánh cửa để Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu.

Ảnh: BROWNRUDNICK.COM

Theo đó, với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua lần cuối cùng Dự luật Thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (WAB). Đây được coi là chiến thắng chính trị lớn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, người luôn quyết tâm hiện thực hóa Brexit vào ngày 31-1 kể từ khi nhậm chức thủ tướng.

Nhận định việc thông qua Dự luật Brexit là chiến thắng lớn của ông Johnson là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, cũng chính hồ sơ này từng khiến người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Theresa May bị mất chức khi 3 lần liên tiếp bị Hạ viện bác bỏ. Công việc còn lại là thông qua dự luật này tại Thượng viện Anh và sau đó là Nghị viện châu Âu.

Ông Johnson nhấn mạnh sẽ không “do dự và trì hoãn” Brexit thêm một lần nào nữa, đồng thời bác bỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit đến sau năm 2020 để đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU. Ông Johnson cho biết sẽ thông qua dự luật tại Thượng viện Anh cùng lúc tiến hành đàm phán thương mại với các nước EU.

Theo luật định, Thượng viện Anh chỉ có thể trì hoãn Dự luật WAB song không có quyền bác bỏ hay đảo ngược kết quả bỏ phiếu của Hạ viện Anh. Nên mọi việc còn lại cũng khá đơn giản và chỉ còn mang tính thủ tục. Sau khi được Thượng viện phê chuẩn, Dự luật WAB sẽ chính thức trở thành luật để tạo cơ sở pháp lý cho Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. Bộ trưởng phụ trách Brexit Stephen Barclay bày tỏ tin tưởng Thượng viện Anh sẽ không làm trì hoãn tiến trình này.

Nếu mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, Nghị viện châu Âu (EC) sẽ thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 29-1-2020 và Brexit chính thức diễn ra 2 ngày sau đó. Bước tiếp sau đó là Anh và EU sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Ông Johnson tuyên bố London sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán này “càng sớm càng tốt”.

Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), nước Anh sẽ bước vào giai đoạn 11 tháng chuyển tiếp để London và EU thảo luận quy chế quan hệ trong tương lai. Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở giai đoạn này. Tuy nhiên, Anh sẽ rút khỏi các thể chế chính trị, cũng như không còn đại diện trong Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU. Bên cạnh đó, công dân EU sẽ tiếp tục có thể tới Anh làm việc và ngược lại công dân Anh vẫn được phép ở lại EU.

Trong một diễn biến liên quan, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho rằng, việc đàm phán một thỏa thuận toàn diện về quan hệ tương lai Anh và EU sẽ mất nhiều thời gian hơn giai đoạn chuyển tiếp chỉ vỏn vẹn 11 tháng, vì vậy EU sẽ ưu tiên những vấn đề cấp bách.

Ông Barnier cho rằng EU luôn khẳng định mối quan hệ với Anh trong tương lai sẽ phải công bằng trong các lĩnh vực xã hội, môi trường và thuế quan. Trong dài hạn, hai bên sẽ nỗ lực để tạo ra một mối quan hệ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại mà còn trên mọi lĩnh vực từ dịch vụ tới ngư nghiệp, hành động vì khí hậu, không gian vũ trụ, an ninh và quốc phòng... Do vậy, chương trình nghị sự dày đặc này sẽ phải được hai bên đàm phán trong thời gian dài hơn là 1 năm.

Theo Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic, nước vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU, nước này đã sẵn sàng để hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết cho Brexit trước cuối tháng này.

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các cuộc thảo luận sẽ khó khăn và các bên khó có thể nhất trí về tất cả các vấn đề nếu không gia hạn đàm phán. Bà Ursula von der Leyen khẳng định Ủy ban châu Âu, cho rằng: “Trước cuối tháng này, tôi hy vọng cả Nghị viện Anh và Nghị viện châu Âu đều sẽ phê chuẩn thỏa thuận. Và như vậy nước Anh sẽ chỉ còn hơn 3 tuần cuối cùng với tư cách là một quốc gia thành viên EU”.

Những diễn biến gần đây của lãnh đạo Anh và EU đã thật sự mở ra hy vọng để Brexit diễn ra đúng thời gian giao ước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>