Chiến sự Đông Ghouta, Syria: “Chảo lửa đang cháy”

09/03/2018 | 07:10 GMT+7

Những ngày gần đây, chiến sự ở Đông Ghouta, Syria giữa quân đội nước này, dưới sự yểm trợ của Nga dốc toàn lực để đẩy lùi khủng bố và phiến quân khỏi khu vực này diễn ra ác liệt hơn. Trong khi đó, hàng cứu trợ nhân đạo vẫn chưa đến được tay người dân.

Giao tranh ở Đông Ghouta khiến đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc không thể tiếp cận. Ảnh: REUTERS

Chiến sự ở Đông Ghouta, Syria không khác gì những diễn biến ở Aleppo mùa Thu đông năm 2016 từ chiến thuật tác chiến cho tới “âm mưu gây nhiễu thông tin” nhằm che giấu sự thật của báo chí phương Tây khi đưa tin về các hoạt động quân sự của quân đội Syria. Theo đó, họ cáo buộc Chính phủ Syria “tàn sát dân thường”, để đánh lạc hướng dư luận và thực hiện những âm mưu đen tối là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, phiến quân tại Đông Ghouta không cho dân thường ra khỏi thành phố qua các hành lang nhân đạo và dùng họ làm lá chắn sống bảo vệ sào huyệt, chiếm mọi viện trợ nhân đạo, còn phương Tây thì thực hiện chiến dịch tuyên truyền dày đặc trên internet, cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Nga sử dụng các biện pháp chiến tranh vô nhân đạo. Hãng tin RT của Nga cho biết, xung đột tại Syria có lẽ là cuộc xung đột được tuyên truyền rộng rãi nhất trong lịch sử. Chính phủ phương Tây và các lực lượng đồng minh đã sử dụng hàng chục triệu đô la Mỹ để xây dựng hệ thống truyền thông nhằm che giấu tội lỗi của phiến quân và phe đối lập, trong khi đổ lỗi cho Chính phủ Syria, Nga cùng các đồng minh về tình trạng bạo lực leo thang cũng như sử dụng vũ khí hóa học.

Thực tế, hiện nay Đông Ghouta đang trở thành điểm nóng giao tranh với sự hiện diện của 4 nhóm phiến quân gồm Quân đội Hồi giáo (Army of Islam) - nhóm phiến quân lớn nhất trong khu vực được sự bảo trợ của Saudi Arabia, tiếp đến là Al-Rahman Corps, do Qatar hậu thuẫn, thường xuyên giao chiến với Quân đội Hồi giáo do quan hệ kình địch giữa Saudi Arabia và Qatar, nhóm thứ 3 là Ahrar al-Sham liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và cuối cùng Hay’at Tahrir al-Sham (hay HTS) từng được biết đến với tên gọi cũ Mặt trận Al-Nusra. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là dân thường bị kẹt giữa vòng giao tranh với thiếu thốn mọi thứ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 500 người thiệt mạng, khoảng 400.000 người đang mắc kẹt ở Đông Ghouta trong đó có hàng trăm người cần phải sơ tán để được chăm sóc y tế khẩn cấp và cần cứu trợ nhân đạo kịp thời nhưng vẫn chưa thực hiện vì giao tranh liên tục diễn ra.

Trước những diễn biến trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột tại Syria cho phép một đoàn xe nhân đạo hoàn tất việc vận chuyển hàng cứu trợ tới Douma tại vùng Đông Ghouta theo kế hoạch vào ngày 8-3.

Trước đó, ngày 24-2, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn trong 30 ngày để cho phép vận chuyển hàng hóa nhân đạo và sơ tán người bị ốm và bị thương. Sau đó, Nga cũng đã ra lệnh ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày để các tổ chức nhân đạo thực hiện cứu trợ. Tuy nhiên cả hai lệnh ngừng bắn trên đều đã thất bại.

Mới đây, sau 3 giờ thảo luận kín, phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về lệnh ngừng bắn tại Syria đã kết thúc mà không đưa ra thông cáo báo chí về diễn biến cuộc họp. Đại sứ Hà Lan Karel van Oosterom, người đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 3, cho hay tại cuộc họp các thành viên Hội đồng Bảo an đã “bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền” và “nhắc lại lời kêu gọi” các bên tham gia xung đột tại Syria tuân thủ lệnh ngừng bắn được thông qua 11 ngày trước để tạo điều kiện triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo và sơ tán người bệnh khỏi vùng Đông Ghouta. Điều này đồng nghĩa với giải pháp cho lệnh ngừng bắn ở Đông Ghouta vẫn chưa khả thi.

Trong một động thái liên quan, Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura đã đề xuất, ông sẽ đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận với Nga nhằm cho phép các tay súng rút khỏi Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria để các tổ chức nhân đạo thực hiện cứu trợ. Đề xuất của ông Mistura đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an đã thảo luận về kế hoạch cho phép một đoàn xe cứu trợ mới tới Douma thuộc Đông Ghouta để hoàn tất hoạt động cứu trợ trong nay mai.

Tuy nhiên, chiến sự ở Đông Ghouta, Syria đang như chảo lửa đang hừng hực cháy nếu muốn dập tắt cần có sự tác động của nhiều quốc gia. Muốn vậy, các quốc gia liên quan cần có sự đồng thuận và tiếng nói chung thì chiến sự ở quốc gia Trung Đông này mới có hy vọng hạ nhiệt.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>