Chính phủ Mỹ có bị đóng cửa ?

05/12/2018 | 08:14 GMT+7

Chưa đạt được sự đồng thuận đối với Dự luật phân bổ ngân sách cho tài khóa năm 2019 giữa hai đảng chính tại Quốc hội Mỹ là nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong tháng 12 này.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, các nhà lập pháp cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua 7 dự luật phân bổ ngân sách nhằm cấp kinh phí cho chính phủ hoạt động trong khoảng thời gian từ nay cho tới ngày 7-12. Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất hiện nay là Dự luật phân bổ ngân sách cho Bộ An ninh nội địa với khoảng 5 tỉ USD theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Mặc dù trước đó, dự luật chi tiêu cho Bộ An ninh nội địa đã được Thượng viện Mỹ thông qua, với phân bổ 1,6 tỉ USD nhưng chính quyền Tổng thống Trump chưa đồng thuận.

Theo đề nghị của Thượng nghị sĩ Richard Shelby, số tiền trên tài trợ cho việc xây dựng bức tường biên giới sẽ được phân bổ trong hai năm. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng đây là đề xuất không khả thi. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nita Lowey tuyên bố đây là một khoản chi lãng phí quá lớn.

Trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận về ngân sách xây dựng bức tường biên giới vào tuần này, có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một gói ngân sách ngắn hạn cho hoạt động của chính phủ, cũng như giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để tiếp tục đàm phán.

Trong một động thái liên quan, ông Trump đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ một dự luật chi tiêu nào nếu phe Dân chủ không ủng hộ các kế hoạch tăng cường an ninh biên giới và cải cách nhập cư của ông; đồng thời khẳng định ông sẵn sàng đóng cửa chính phủ nếu các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Đây không phải lần đầu Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không được cấp kinh phí. Còn nhớ hồi đầu năm nay, Chính phủ liên bang Mỹ đã hai lần đóng cửa trong vòng 3 tuần cũng vì phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện không thể đạt thỏa thuận chung về vấn đề nhập cư. Chính điều này nên ngày 28-9 vừa qua, Tổng thống Trump đã phải ký ban hành luật chi tiêu, giúp cho chính phủ hoạt động ít nhất cho tới ngày 7-12.

Nguyên nhân sâu xa của những bất đồng trên trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ xuất phát từ kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6-11 vừa qua. Theo đó lần đầu tiên sau 8 năm, đảng Dân chủ giành đủ số ghế để nắm lại quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì thế đa số tại Thượng viện. Sự thay đổi quyền lực trong Quốc hội Mỹ sau bầu cử sẽ có những tác động lớn tới việc hoàn thành những mục tiêu và chính sách ưu tiên, trong đó phải kể tới những chính sách kinh tế thương mại của ông chủ Nhà Trắng trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.

Thực tế cho thấy, khả năng nhiều chính sách liên quan đến ngân sách sẽ bị “treo” tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi các nghị sĩ của hai viện chưa tìm được tiếng nói chung. Mặc dù các chuyên gia kinh tế nhận định những mâu thuẫn trong nội bộ Quốc hội Mỹ sẽ không “nhấn chìm” con thuyền kinh tế nước này, song những bế tắc trong vấn đề ngân sách liên bang vẫn có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố đến ngày 30-9 vừa qua, ngân sách nước này thu về 3.300 tỉ USD, song lại chi tới 4.100 tỉ USD. Điều này đã khiến thâm hụt ngân sách tăng 17%, mức cao nhất kể từ năm 2012.

Từ thực tiễn khó khăn trên, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, khả năng thành công thì rất ít và Chính phủ Mỹ có nguy cơ sẽ bị đóng cửa vì vấn đề này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích