Cuộc chiến chống IS sẽ kéo dài cả một thế hệ

21/06/2017 | 07:36 GMT+7

Nhiều cường quốc tham gia chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tiêu diệt không ít nhân lực của tổ chức khủng bố này, nhưng xem ra IS vẫn tồn tại và mức độ hoạt động nguy hiểm càng gia tăng.

Khói bốc lên tại Raqqa trong chiến dịch chống IS của Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu. Ảnh: AFP

Trong ba năm qua, không ít lần các phương tiện truyền thông đưa tin thủ lĩnh của IS đã chết hoặc bị thương và tổ chức này đã và đang đi vào ngày tàn lụi. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng này hiện vẫn tồn tại và các cuộc khủng bố diễn ra khắp mọi nơi với mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga lại tuyên bố đã không kích và tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Syria Abu Bakr al-Baghdadi. Theo đó, vụ không kích trên đã nhằm vào một cuộc họp của IS, tiêu diệt khoảng 30 thủ lĩnh phiến quân cấp trung và khoảng 300 tay súng khác. Ngoài tên al-Baghdadi còn có các thủ lĩnh khác của IS bị tiêu diệt lần này là Abu al-Khadji al-Mysri, Ibrahim al-Naef al-Khadj và Suleiman al-Shauah. Vụ việc diễn ra khi các thủ lĩnh IS tập trung thảo luận phương thức rút khỏi Raqqa theo hướng Nam. Nếu quả thực Baghdadi bị tiêu diệt thì đây là đòn nặng nề đối với tổ chức khủng bố IS, vốn đã gieo rắc sự hỗn loạn vượt xa dự đoán của nhiều người ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc Baghdadi còn sống hay đã chết? Qua đó đặt ra câu hỏi về định hướng chính sách của phương Tây, người Hồi giáo dòng Sunni và Nga về kết thúc cuộc chiến IS ở Iraq và Syria? Riêng giới phân tích nhận định chín chắn hơn, dù có thất bại liên tục trên nhiều chiến trường nhưng cuộc chiến chống IS vẫn chưa đi đến hồi kết và sẽ còn kéo dài cả một thế hệ vì những lý do chủ quan và khách quan sau.

Trước nhất, IS là một phong trào quốc tế phát triển rộng khắp trên thế giới gồm các phần tử thánh chiến với chi nhánh không chính thức ở 50 quốc gia. Những tổ chức này đã tuyên thệ trung thành với al-Baghdadi và tham gia cấu trúc IS. Về phương thức hoạt động, IS đã cố gắng mô phỏng thành một nhà nước thực sự, thể hiện qua việc cấp hộ chiếu, thu thuế và đảm bảo nhu cầu cơ bản cho các “công dân”. Bên cạnh đó, những tổ chức liên quan đến IS như Abu Sayyaf ở Philippines, Boko Haram ở Nigeria và Al-Shabab ở Somalia sẽ tiếp tục hoạt động. Chúng mang bản sắc riêng và có thể trở thành nơi nương náu cho các phiến quân IS khi thất bại ở Trung Đông.

Mặt khác, dù các quốc gia trên thế giới quyết tâm tiêu diệt IS nhưng xem ra vẫn còn nhiều bất cập khi triển khai. Điển hình như cùng lúc ở Iraq, Syria có Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, không quân Nga và quân đội của các quốc gia này cùng tham gia tấn công IS. Tuy nhiên, tất cả những lực lượng quân sự trên đều hoạt động riêng lẻ chưa có sự phối hợp chặt chẽ lẫn nhau nên hiệu quả chưa cao. Đáng quan ngại, hoạt động của những lực lượng này đôi lúc có những đối lập nhau. Cụ thể, sau vụ bất ngờ bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo vào quân đội Syria hồi đầu tháng 4 của Mỹ, mới đây Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã bắn hạ 1 máy bay quân đội Syria. Giới chức Syria cho rằng: “Cuộc tấn công trắng trợn này là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria và các đồng minh đang có những bước tiến rõ rệt trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS”, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa những hành động trên. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng việc Mỹ bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Chính phủ Syria là một bước đi có thể khiến tình hình leo thang một cách nguy hiểm, đồng thời cảnh báo Washington không sử dụng vũ lực nhằm vào quân Chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng cho rằng Mỹ nên tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và kiềm chế những hành động đơn phương tại quốc gia Trung Đông này. Từ những diễn biến lộn xộn trên cho thấy khó tiêu diệt IS ở cả Syria, Iraq, các quốc gia Trung Đông khác.

Giới quan sát nhận định, dù cuộc chiến chống IS ở Trung Đông đang diễn biến theo hướng tích cực, nhưng nhiều khả năng khó tiêu diệt hoàn toàn lực lượng khủng bố này. Mặt khác, IS đã và đang mở rộng lực lượng xây dựng “vương quốc” ở Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa, trong những năm tới việc theo dõi sự chuyển động của IS trên toàn thế giới sẽ là thách thức lớn đối với an ninh quốc tế. Bởi lẽ, IS sẽ còn tồn tại và hoạt động ngày càng phức tạp không chỉ ở Trung Đông mà lan rộng ra nhiều nước nếu các quốc gia liên quan thiếu đồng bộ và quyết tâm tiêu diệt chúng. Cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài cả thế hệ, đó cũng là dự đoán và nỗi lo của giới phân tích hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>