Cuộc chiến ngoại giao lịch sử phương Tây – Nga: Ai sẽ thắng ?

06/04/2018 | 07:40 GMT+7

Đến nay, Anh vẫn không thể chứng minh chất độc thần kinh trong vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc hồi tháng trước sản xuất tại Nga nên về mặt lý thuyết Anh và EU đã thua Nga trong vụ việc này.

Cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal. Ảnh: EPA

Khi được hỏi chất độc trong vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal và con gái là gì, có nguồn gốc từ đâu? Ông Gary Aitkenhead, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật quốc phòng tại khu vực Porton Down của Anh, khẳng định: “Chúng tôi có thể xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự. Nhưng chúng tôi không xác định được nguồn gốc chính xác”. Lời khẳng định trên hoàn toàn khác xa với tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đưa ra trước đó khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức. Khi được hỏi Chính phủ Anh đã làm thế nào để có thể kết luận một cách nhanh chóng về việc chất độc bị nghi sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga, Ngoại trưởng Anh lại nhấn mạnh đến vai trò của các thông tin do Phòng thí nghiệm Porton Down cung cấp cho chính phủ nước này. Điều này đồng nghĩa với việc chất độc này chưa thể xác định có nguồn gốc từ Nga và càng không thể khẳng định Matxcơva đứng sau vụ đầu độc này.

Trước đó, hôm 4-3, cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị ngộ độc tại thành phố Salisbury của Anh. London đã cáo buộc Nga đã đứng sau vụ tấn công này nên đã khởi động cuộc chiến ngoại giao với Matxcơva bằng hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại Anh. Sau đó, hàng loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia hùa theo trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga đang hoạt động ở những quốc gia này. Đáp trả lại, Nga cũng đã ra lệnh trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao các nước có liên quan. Tiếp sau đó là hàng loạt sóng gió trong cuộc chiến ngoại giao giữa phương Tây và Nga liên tiếp xảy ra.

Tuy nhiên, ưu thế cuộc chiến ngoại giao hiện đang nghiêng về Matxcơva. Trước tiên, ngoài yêu cầu Hội đồng điều hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) có cuộc điều tra chung về việc Anh cáo buộc Nga nhúng tay vào vụ án trên, phía Nga còn yêu cầu Anh phải đưa ra được bằng chứng chứng minh cho những cáo buộc nhằm vào Nga. Tại cuộc họp khẩn cấp mới đây, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bác đề xuất chung của Nga, Trung Quốc và Iran về tiến hành điều tra chung và khách quan vụ điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh. Đại diện thường trực của Nga tại OPCW Alexei Shulgin cho biết, Mỹ, Anh đi đầu trong việc phản đối sáng kiến này, sau đó là các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cùng một số đồng minh của Mỹ ở châu Á. Phái đoàn Anh tham gia cuộc họp trên cho rằng đề nghị của Nga về một cuộc điều tra chung Anh - Nga xung quanh vụ cựu điệp viên Skripal vừa qua là “ngoan cố”. Phía Anh cũng cho rằng việc Nga yêu cầu triệu tập cuộc họp chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận và gây cản trở cho cuộc điều tra của OPCW.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vassily Nebenzia cho biết Matxcơva đã yêu cầu tiến hành một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra ngày hôm nay (6-4) để thảo luận về việc Chính phủ Anh cáo buộc Nga dính líu vụ việc ngộ độc trên. Nga muốn làm rõ phía Anh đã cung cấp được những bằng chứng gì cho OPCW, những thanh sát viên quốc tế nào được tiếp cận hiện trường vụ việc và những nhân chứng mà các thanh sát viên này đã tiếp xúc cũng như các mẫu vật đang được phân tích.

Mới đây, khi trả lời câu hỏi: “Liệu Nga có chờ sự xin lỗi chính thức từ phía Anh khi không tìm thấy bằng chứng về sự tham gia của Nga trong vụ Skripal ở Salisbury”, Tổng thống Nga Putin nói: “Chúng tôi không chờ đợi xin lỗi. Lẽ phải cuối cùng sẽ chiến thắng và quan hệ quốc tế sẽ không phải chịu tổn thất như chúng ta thấy trong thời gian gần đây”.

Theo kế hoạch, dự kiến tuần tới, các chuyên gia của OPCW sẽ đưa ra kết luận về mẫu chất độc nghi được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Thực tế, OPCW không có thẩm quyền đưa ra kết luận mang tính buộc tội. Tuy nhiên, tổ chức này có thể yêu cầu các bên liên quan cho phép những thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở quân sự để bảo đảm mọi nguồn dự trữ vũ khí hóa học đều đã bị tiêu hủy.

Từ những diễn biến trên cho thấy, cuộc chiến ngoại giao giữa phương Tây và một số nước liên quan với Nga vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên về lý thuyết, Nga đang chiếm ưu thế hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Anh và EU có nhiều nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến ngoại giao lịch sử này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>