Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết ?

07/06/2019 | 08:30 GMT+7

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang từng ngày đã khiến cả Washington và Bắc Kinh có những động thái đối ngoại cấp bách để ứng phó.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra khi Huawei bị Chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt. Ảnh: MARKETPRIMENEWS

Bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, quá trình leo thang cọ xát thương mại Trung - Mỹ hơn 1 năm qua gây ra khó khăn trước mắt với Trung Quốc nhưng về lâu dài nước này hoàn toàn có thể kiểm soát được để đảm bảo phát triển ổn định. Bà Doãn Hải Hồng khẳng định: “Trung Quốc không muốn cọ xát thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang. Trung Quốc sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ có thiện chí”.

Trước đó, giới phân tích nhận định nhiều khả năng Mỹ - Trung sẽ đạt thỏa thuận trong đàm phán thương mại. Tuy nhiên, khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như sắp ký kết, các nhà đàm phán chợt nhận ra họ đã quay về xuất phát điểm ban đầu. Ngoài sự cứng rắn của Mỹ trong đàm phán, nguyên nhân chính của việc này chính là phía Trung Quốc khăng khăng đòi sửa lại bản thỏa thuận, mà theo giải thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump là từ bỏ các điều khoản đã được thỏa thuận trước đó.

Lý do thật sự khiến phía Trung Quốc ngần ngại không chịu đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ, lại nằm ở những bất đồng căn bản của hai phía. Nói một cách khác, trong khi Trung Quốc muốn sửa một số điều trong đàm phán thì Mỹ lại mở chiến dịch tấn công thương mại bằng việc tăng thuế suất hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. “Giọt nước tràn ly” khi đúng vào thời điểm đàm phán, Mỹ lại đánh đòn chí mạng vào Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Theo đó, Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen của Mỹ, vì vậy công ty này bị mất các nguồn cung cấp công nghệ quan trọng, đồng thời cũng bị nhiều nước đồng minh của Mỹ cô lập Huawei làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và phát triển của tập đoàn này.

Về phần mình, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc áp dụng tăng thuế suất đối với các mặt hàng nhập từ Mỹ. Đồng thời Bắc Kinh cũng ra “chiêu độc” tuyên bố sẽ ngưng cung cấp khoáng sản chiến lược và đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ và quân sự cho Mỹ.

Thực tế, Trung Quốc hiện có vị thế cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế việc cô lập một cường quốc sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới với thị trường tiêu dùng 1,4 tỉ người, chắc chắn sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra bóng đen phủ lên toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Trong một động thái liên quan, để khắc phục khoảng trống thương mại giữa hai nước cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường ngoại giao với các quốc gia tiềm năng để tìm giải pháp ứng phó.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành những lời khen ngợi cho Tổng thống Nga Putin trước thềm chuyến thăm nhà nước tới Matxcơva, đồng thời ông khẳng định: “Tôi có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin hơn bất kỳ đối tác nước ngoài nào”.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện đang ở mức tốt nhất trong lịch sử. Chuyến thăm Nga của ông Tập được đánh giá là dịp để Bắc Kinh và Matxcơva tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh cả 2 nước đều đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tiến hành thăm Anh, với hy vọng sẽ tận dụng chuyến thăm cấp nhà nước này như một cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của London trong cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc. Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Anh, nhà lãnh đạo Mỹ đang có thời cơ thuận lợi để tận dụng mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia khi ông tiến hành vận động đồng minh đứng cùng chiến tuyến trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Mặt khác, trong nước Mỹ cũng đã có những động thái chuẩn bị để đối phó với “chiêu độc” của Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này sẽ có “những hành động chưa từng có tiền lệ” để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản chiến lược và đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ và quân sự. Theo dó, các hành động được đề xuất là bao gồm cải thiện nguồn cung khoáng sản chiến lược và đất hiếm thông qua hoạt động đầu tư và thương mại với các đồng minh, tạo điều kiện cho phép các hoạt động khai mỏ ở Mỹ, bao gồm cả những vùng đất thuộc sở hữu liên bang.

Về mặt lý thuyết, cả Mỹ và Trung Quốc đều chuẩn bị lâu dài cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Do vậy khó có thể đoán định thời gian nào cuộc chiến này sẽ kết thúc.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>