Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Tạm hòa hoãn nhưng chưa yên

25/05/2018 | 09:29 GMT+7

Mặc dù hầu hết các phương tiện truyền thông đều đưa thông tin Mỹ và Trung Quốc đã thực sự có những “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực đàm phán cam go nhằm hóa giải những bất đồng thương mại, tuy nhiên phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn ngược lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, tháng 11-2017. Ảnh: AP

Theo CNN, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố: “Chẳng có thỏa thuận nào cả (ám chỉ thỏa thuận thương mại do Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được gần đây). Chúng ta chờ xem điều gì sẽ diễn ra, nhưng thỏa thuận mà tôi nói sẽ khác rất nhiều so với thỏa thuận mới nhất, và nó có thể là một thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ”. Tổng thống Mỹ cho rằng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steve Mnuchin “cầm đèn chạy trước ô tô”, gọi thông tin trên báo chí về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là “viết sai”, mặc dù ông không đổ lỗi cho các phóng viên.

Phát biểu của ông Trump như dội gáo nước lạnh vào kỳ vọng mà chính quyền Washington đưa ra là Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước diễn ra vào ngày 21-5. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steve Mnuchin cho biết Mỹ và Trung Quốc nhất trí một thỏa thuận thương mại, và “ngừng chiến tranh thương mại”. Thị trường phản ứng tích cực trước thông tin này, song thông tin của ông Mnuchin cũng làm dấy lên phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ tổng thống và các nhà kinh tế, vì cho rằng ông Donald Trump quá nhân nhượng với Trung Quốc mà không đạt được lợi ích đáng kể nào từ thỏa thuận này.

Trong khi đó, ông Donald Trump bác bỏ chỉ trích này, nhấn mạnh rằng ông sẽ thương lượng một thỏa thuận có lợi cho Mỹ, đồng thời cho biết chính quyền ông đã ngăn cản Công ty ZTE của Trung Quốc làm ăn với các công ty Mỹ tháng trước.

Theo giới bình luận, sự bất nhất trong phát ngôn và thông tin của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Bộ trưởng Tài chính Mnuchin có nguy cơ bị sa thải vì có những bất đồng về chính sách đối ngoại với ông Trump.

Thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua, nhiều nhà phân tích vẫn nghiêng về nhận định viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể xảy ra bất chấp việc hai siêu cường này vẫn liên tục có những động thái và các lời cảnh báo lẫn nhau. Bởi lẽ, Mỹ - Trung Quốc cần nhau là điều quá rõ khi mà Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, ngược lại Mỹ là thị trường mà Trung Quốc đang xuất siêu. Ngoài ra, nhiều công ty lớn của Mỹ cũng đang tận dụng tốt nguồn nhân lực tại Trung Quốc, trong khi hàng trăm tỉ đô la của Trung Quốc đang tìm đường đầu tư vào Mỹ. Rõ ràng, chỉ nhìn qua lăng kính lợi ích quốc gia là chưa đủ mà trước tiên, thời điểm này, Mỹ - Trung Quốc cần hướng tới mục tiêu là đảm bảo cân bằng cán cân thương mại song phương.

Mặt khác, hiện tại Mỹ phải đối phó nhiều vấn đề nhạy cảm ở Trung Đông, như: đối địch với Iran, bị lún sâu ở chiến trường Iraq và Syria. Gần đây, Nhà Trắng lại châm ngòi cho cuộc xung đột Israel và Palestine khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ về đây. Nặng nề hơn là Mỹ đang mâu thuẫn với Liên minh châu Âu (EU) và Nga cả trong kinh tế và chính trị, rồi đến việc phải đau đầu chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên... Do vậy việc hòa hoãn với Trung Quốc là lựa chọn tối ưu nhất cho cả hai bên lúc này để đủ thời gian và tiềm lực củng cố và xử lý những tình hình “nóng” hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>