Cuộc đua trở thành Thủ tướng nước Anh: Brexit trở thành tâm điểm tranh cử

21/06/2019 | 08:10 GMT+7

Liên tục nhiều vòng bỏ phiếu tín nhiệm loại dần những ứng cử viên, hiện cuộc đua trở thành Thủ tướng nước Anh đã đi đến giai đoạn cạnh tranh quyết liệt để bầu vào ghế Thủ tướng Anh.

Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh ở London ngày 27-3-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, hai ứng cử viên được nhiều ủng hộ nhất sẽ có 1 tháng để vận động và thuyết phục 160.000 đảng viên Bảo thủ thông qua các cuộc tranh luận và chất vấn trên toàn quốc, trước khi cuộc bỏ phiếu kín của toàn thể số đảng viên trên được tiến hành qua đường bưu điện và công bố kết quả trong tuần sau ngày 22-7 tới để chọn ra lãnh đạo mới cho đảng Bảo thủ và cũng là Thủ tướng Anh, thay cho bà Theresa May đã từ chức.

Qua nhiều vòng bỏ phiếu cho thấy, những ứng cử viên bị loại khỏi cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh đều vấp phải việc tìm giải pháp cho Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)). Điển hình như trường hợp của Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Rory Stewart đã đánh mất sự ủng hộ của 10 nghị sĩ Bảo thủ tại vòng bỏ phiếu thứ 3, sau màn thể hiện không ấn tượng trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Trước đó, ở vòng 2 ứng cử viên này cũng có số phiếu khá ấn tượng với nhiều hy vọng cạnh tranh với ứng cử viên sáng giá Boris Johnson. 

Sau khi kết quả bỏ phiếu vòng 3 được công bố, ông Stewart cho rằng những cảnh báo của ông về nguy cơ Brexit không thỏa thuận đã không được các nghị sĩ đồng cấp hoan nghênh. Ông cũng thừa nhận thất bại này cũng gần như đồng nghĩa với việc ông đã tự viết đơn từ chức khỏi cương vị Bộ trưởng Phát triển Quốc tế trong Nội các hiện tại và cũng loại trừ khả năng sẽ đảm nhiệm chức vụ trong Nội các trong trường hợp cựu Ngoại trưởng Boris Johnson thắng cử. Tuy nhiên, ông cũng chưa quyết định sẽ dồn phiếu ủng hộ cho ứng cử viên nào.

Giới phân tích nhận định, cuộc đua này đang lấy tâm điểm Brexit, vấn đề được nhiều người dân Anh quan tâm để cạnh tranh giữa các ứng cử viên. Bởi lẽ, việc Thủ tướng Anh Theresa May từ chức vẫn còn để lại một mớ hỗn độn chưa tìm được tiếng nói chung của cả Nội các Anh lẫn EU.

Trong khi đó, nội bộ Anh mà đặc biệt là các ứng viên tranh cử vào ghế Thủ tướng cũng đang có những bất đồng sâu sắc về Brexit. Ngoài cựu Ngoại trưởng Boris Jonhson, người giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ không tham gia phiên tranh luận tại cuộc bỏ phiếu vòng 1, những ứng cử viên còn lại cho biết họ sẽ tìm cách tái đàm phán thỏa thuận Brexit với Brussels dù các lãnh đạo EU luôn khẳng định sẽ không để điều này xảy ra. Những ứng cử viên này đều tuyên bố sẵn sàng đưa Anh rời EU vào ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận, như một cách để gây sức ép buộc Brussels phải quay lại đàm phán. Chỉ có Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Rory Stewart khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận mà Thủ tướng May đã ký với Brussels hồi cuối năm 2018 dù thỏa thuận này đã 3 lần bị bác bỏ tại Hạ viện Anh và cuối cùng khiến bà May buộc phải xin từ chức. Tuy nhiên, hiện nay ông Stewart cũng bị loại khỏi cuộc đua tại vòng bỏ phiếu thứ 3.

Trong một diễn biến liên quan, nhiều quốc gia EU cũng đã lên tiếng không chấp nhận việc đàm phán lại với London. Bộ trưởng phụ trách về các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của Anh nhằm thay đổi các điều khoản của thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với khối này hồi tháng 11 năm ngoái.

Tương tự, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cũng nhấn mạnh thỏa thuận Brexit đạt được với Thủ tướng May đã được tất cả thành viên EU thông qua và việc bầu chọn 1 vị thủ tướng mới ở Anh sẽ không làm thay đổi các nội dung trong thỏa thuận.

Giới quan sát cho rằng, cho dù ai kế nhiệm bà May làm Thủ tướng Anh thì việc Brexit cũng vấp phải muôn vàn khó khăn. Nhiều khả năng Brexit sẽ diễn ra mà không có thỏa thuận với EU. Điều này hoàn toàn bất lợi đối với London và nằm ngoài sự mong đợi của cả người dân Anh lẫn EU.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>