Đại dịch châu chấu hoành hành châu Phi

11/02/2020 | 08:33 GMT+7

Đại dịch châu chấu đang đe dọa mùa màng ở các nước châu Phi khi có những bầy châu chấu lớn bao phủ tới 65km.

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, mưa tháng 3 sẽ khiến số lượng châu chấu hiện tại sinh sôi gấp 500 lần. Một đàn châu chấu khoảng 1 triệu con có thể ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong 1 ngày.

Những đàn châu chấu đầu tiên từ Kenya đã vượt biên sang Uganda vào hôm 9-2, Bộ trưởng phụ trách khu vực biên giới Karamoja Moses Kizige cho biết.

Dịch châu chấu được cho là bắt nguồn từ 22-12-2019 ở Kenya rồi sau đó bùng phát đi các nước xung quanh. Chúng đẻ trứng khắp nơi và sinh sôi với tốc độ chóng mặt. Những đàn châu chấu dài bao phủ diện tích từ một tới vài trăm km2. Mỗi km2 đất có ít nhất 40 triệu con châu chấu. Số lượng châu chấu lớn hơn thông thường ở Đông Phi được cho là tỏa ra từ Yemen hồi tháng 8.

Dịch châu chấu đã tàn phá hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp và đồng cỏ ở khu vực Đông Bắc Phi, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của người dân. Những đàn châu chấu hình thành ở phía Đông Ethiopia và phía Bắc Somalia, sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia với tốc độ lên đến 130km/h, tàn phá hoa màu tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như uy hiếp nghiêm trọng tới an ninh hàng không.

Vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 3 điểm nóng của nạn dịch châu chấu đang đe dọa toàn cầu. Hiện những đàn châu chấu phát triển ở Ethiopia và Somalia đã tiếp tục di cư đến Kenya và tạo ra mối đe dọa an ninh lương thực lớn ở khu vực sa mạc của 20 quốc gia trải dài từ Tây Phi đến Ấn Độ và bao phủ gần 16 triệu km2.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) nhấn mạnh đây là dịch châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Mỗi ngày, những côn trùng phá hoại ăn tới 1,8 tấn thực vật. Một đàn châu chấu có quy mô trung bình cũng có thể phá hủy lượng cây trồng đủ để nuôi sống 2.500 người trong cả năm.

Chính quyền Uganda đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm kiếm giải pháp đối phó dịch. Somalia trong tháng này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước sự tàn phá của côn trùng gây hại.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới dịch. Các kiểu thời tiết thay đổi nhanh chóng và không theo quy luật, dẫn đến mưa lớn và lũ bất thường trong vài tháng qua ở Đông Phi khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với FAO dự đoán.

Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria) được xem là loài phá hoại sản xuất nông nghiệp trong nhiều thế kỷ. Chúng phân bố rộng khắp châu Phi, châu Á và khu vực Trung Đông. Loài côn trùng này có thể phát triển từ 2 đến 5 lứa mỗi năm và thường sống thành từng đàn lớn. Với tốc độ sinh sản nhanh, FAO cảnh báo những đàn châu chấu có thể tăng gấp 500 lần về số lượng vào tháng 6, riêng ở khu vực Đông Bắc Phi.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, các đàn châu chấu đang gây ra những tác động tiêu cực tới nhiều vùng ở châu Phi với phạm vi và cường độ chưa từng thấy. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu càng làm tăng sự khủng hoảng ở châu lục này.

FAO cũng khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp các quốc gia Đông Phi số tiền 75 triệu USD để đối phó với dịch châu chấu. Tới thời điểm hiện tại, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ethiopia, Somalia và Kenya mới chỉ nhận được 15 triệu USD tiền hỗ trợ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>