Đàm phán Brexit còn nhiều khó khăn

26/11/2018 | 08:03 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã thống nhất về dự thảo quan hệ thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Ảnh minh họa:  REUTERS

Đại diện Ủy ban châu Âu và Thủ tướng Anh đã đồng thời lên tiếng xác nhận đã đạt được thỏa thuận về nội dung dự thảo quan hệ thương mại. Dự thảo nêu rõ, EU và Anh nhất trí phát triển một mối quan hệ thương mại “tham vọng, bao trùm và cân đối”. Tính toàn vẹn của thị trường chung EU, Liên minh Hải quan và thị trường nội địa Anh sẽ được tôn trọng. Một thỏa thuận hoàn chỉnh được ký kết vào hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 25-11.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán Brexit. Một trong những vấn đề được cho phức tạp nhất là tranh chấp vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh là Gibraltar, nhưng Tây Ban Nha cũng tuyên bố chủ quyền.

Mới đây, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa khẳng định, bất kỳ quyết định nào về quy chế tương lai của Gibraltar trong thỏa thuận Brexit cũng cần phải có sự thông qua của Tây Ban Nha. Tương lai của Gibraltar cần phải được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tây Ban Nha và Anh: “Liên quan đến vấn đề Gibraltar và các mối quan hệ trong tương lai, Tây Ban Nha cần phải được đảm bảo sự hiện diện trong mối quan hệ mà Anh có thể thiết lập với châu Âu. Tây Ban Nha phải tham gia vào tất cả vấn đề liên quan đến Gibraltar và đây là lập trường không thay đổi của Chính phủ Tây Ban Nha”.

Còn Thủ tướng Anh Theresa May vẫn giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề chủ quyền đối với Gibraltar: “Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và tôi tin rằng, khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận cho toàn bộ Vương quốc Anh, trong đó bao gồm cả Gibraltar”.

Trong khi đó, Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo tuyên bố sẵn lòng đối thoại với Tây Ban Nha về quan hệ thương mại trong tương lai nhưng nhấn mạnh không muốn vùng lãnh thổ này trở thành con bài ngã giá về Brexit.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc. Tây Ban Nha nhiều lần yêu cầu Anh trả lại vùng đất mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Vùng đất này có khoảng 30.000 dân sinh sống.

Trước đó, các nước Liên minh châu Âu cũng đã không đạt được nhất trí về vấn đề Gibraltar sau 3 giờ đàm phán do sự phản đối của Tây Ban Nha. Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Theresa May sẽ làm việc với Tây Ban Nha về vấn đề Brexit, song nhấn mạnh rằng, Anh đã thảo luận cởi mở với EU về Gibraltar và mong muốn một thỏa thuận tốt cho “đại gia đình nước Anh”.

Theo quy tắc của EU, quá trình Brexit được thông qua theo hình thức bỏ phiếu đa số, do đó một thành viên đơn lẻ như Tây Ban Nha sẽ không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU không muốn làm mất đoàn kết nội bộ trong bối cảnh đang có nhiều bất đồng về hàng loạt vấn đề trong khối nên đang nỗ lực xoa dịu Tây Ban Nha.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, người đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cũng đã đề cập tới vấn đề gai góc này khi ông tới Anh để tham dự các vòng đối thoại trù bị với Thủ tướng Theresa May. Ông bày tỏ hy vọng, EU giữ được sự đoàn kết của khối xung quanh vấn đề Gibraltar.

Trong khi Tây Ban Nha chú trọng đến tương lai Gibraltar, Pháp lại đề nghị được cho phép tiếp cận các ngư trường của Anh; đồng thời khẳng định nước Anh hậu Brexit vẫn phải tuân thủ các quy định về thuế, môi trường, lao động, công nghiệp của khối.

Vì vậy, dự báo Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu bàn về Brexit diễn ra không kém phần căng thẳng trong khi chỉ còn 4 tháng nữa là đến ngày Anh chính thức rời EU (Brexit).

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>