Đàm phán thuận lợi, nhưng JCPOA khó cứu vãn

08/04/2021 | 17:23 GMT+7

Sau thời gian dài gián đoạn, đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 vừa được khôi phục và cho kết quả bước đầu khả quan.

Các chủ tọa chuẩn bị bắt đầu cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hôm 6-4 tại Vienna, Áo.  Nguồn: BBC

Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được biết đến là thỏa thuận hạt nhân Iran, đã nối lại cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận đang đổ vỡ. Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức đối ngoại cấp cao đại diện cho Trung Quốc, Pháp, Đức, Iran, Nga, Anh. Đại diện của Mỹ tham gia họp trực tuyến từ một khách sạn gần địa điểm tổ chức cuộc họp. Đây là nỗ lực mới nhất của các bên liên quan để phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về JCPOA, trong bối cảnh thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối tháng 5 tới.

Chủ tọa cuộc họp, Phó Tổng Thư ký, đồng thời là Giám đốc Chính trị của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) Enrique Mora cho rằng các bên đã có một “cuộc họp mang tính xây dựng”. Theo ông Mora, các bên đã có sự thống nhất về một tiến trình ngoại giao chung với 2 nhóm chuyên gia về thực thi thỏa thuận gắn với dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.

Các nhà đàm phán Mỹ và Iran không gặp mặt trực tiếp, song áp dụng cách tiếp cận ngoại giao con thoi với sự hỗ trợ của các nhà điều phối. Iran và các cường quốc thế giới dự kiến sẽ có cuộc gặp tiếp theo vào ngày 9-4, sau khi các chuyên gia dự thảo kế hoạch liên quan tới việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran trở lại tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận JCPOA.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ, khi Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định cuối cùng với mọi vấn đề của đất nước, đã yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và bác bỏ đề nghị dỡ bỏ dần dần. Tehran cũng bác bỏ đề nghị của Mỹ rằng, Iran ngừng làm giàu urani ở mức 20% để đổi lấy việc giải phóng 1 tỉ USD bị đóng băng tại các nước do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nhà ngoại giao cho rằng, vòng đàm phán lần này sẽ kéo dài vài tuần. Mục tiêu là một dạng thỏa thuận trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra vào tháng 6 tới, cho dù các quan chức Mỹ và Iran nói không cần phải vội vàng.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thể hiện mong muốn có một thỏa thuận “lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn”, trong đó có cả chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và sự ủng hộ của Iran đối với các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng những cuộc thảo luận gián tiếp ban đầu mới là bước đi đầu tiên, cả Iran và Mỹ đều cần phải nối lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng tới việc đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước này hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran, đồng thời tin tưởng vào việc các bên tham gia nhất trí về các bước cần thiết để Iran và Mỹ trở lại JCPOA.

Trong khi đó, đại diện phía Trung Quốc, Đại sứ Vương Quần cho rằng, Mỹ nên sớm quay trở lại JCPOA là chìa khóa để giải quyết vấn đề hiện nay, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1. Đại sứ Trung Quốc Vương Quần cho rằng, việc chính quyền cũ của Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và gây sức ép tối đa lên Iran là nguyên nhân sâu xa khiến vấn đề hạt nhân Iran trở nên căng thẳng như hiện nay. Do đó Mỹ nên dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Iran và Iran sẽ tiếp tục khôi phục việc thực hiện thỏa thuận trên cơ sở này.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang nắm trong tay quân bài “quan trọng” trong cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 nên nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ chi phối Mỹ và các quốc gia liên quan. Đây cũng là lý do khiến Mỹ chưa thể đồng thuận quay lại đàm phán. Mặt khác, quan điểm của Iran và Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng theo kiểu so bì “ai làm trước, ai làm sau” nên JCPOA khó được phục hồi theo kế hoạch.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>