Điểm nóng Qatar

12/06/2017 | 08:16 GMT+7

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh đang ngày càng đi vào bế tắc sau khi 9 nước đồng loạt tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Chủ quyền quốc gia của Qatar đang bị đe dọa mà vấn để chỉ xoay quanh khủng bố và cuộc chiến do Mỹ phát động.

Thủ đô Doha, Qatar nhìn từ trên cao.

Trong một cuộc họp báo tổ chức hôm 9-6 với người đồng cấp Romania, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thông điệp cứng rắn cho Qatar trong mối quan hệ với khủng bố, đó là ngừng viện trợ, thôi dạy lòng căm thù và chấm dứt tình trạng sát hại.

Các nước Arab đã lên tiếng ủng hộ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Qatar, cho rằng nước này tài trợ khủng bố. Truyền thông Arab Saudi dẫn lời quan chức nước này cho rằng “chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không còn là lựa chọn, mà là cam kết, đòi hỏi hành động nhanh và quyết liệt để cắt mọi nguồn tài chính cho khủng bố, bất chấp ai là nguồn cung”. Tuy nhiên, Arab Saudi, UAE và Bahrain không nhắc tới phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, kêu gọi các nước nới lỏng sự cô lập trên bộ và trên biển nhằm vào Qatar. Ông Tillerson cho rằng việc này sẽ cản trở chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường.

Tuy nhiên, giới quan sát đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai lên tiếng đứng về phía Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng như những quốc gia vùng Vịnh khác sau khi họ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Chuyên gia nhận định nếu không cẩn trọng, Tổng thống Mỹ có nguy cơ gây tổn hại mối quan hệ với một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington tại khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức cảnh báo căng thẳng giữa Qatar và các nước Arab có thể dẫn đến chiến tranh. “Có nguy cơ tranh chấp này sẽ dan đến chiến tranh”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ngày 10-6. Ông đề cập đến mối quan hệ “căng thẳng” gữa các nước Arab với Qatar.

Gabriel cho biết các cuộc hội đàm riêng trong tuần với người đồng cấp Arab Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, điện đàm với Ngoại trưởng Iran và Kuwait càng củng cố cho lo ngại của ông. “Tôi biết tình hình nghiêm trọng thế nào. Tuy nhiên, tôi cũng tin có cơ hội để có tiến triển”, ông nói.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nước Arab đàm phán để giải quyết khủng hoảng ngoại giao với Qatar. “Matxcơva sẵn sàng hành động với sự đồng thuận và quan tâm của các bên tham gia. Chúng tôi kêu gọi giải quyết bất đồng trên bàn đàm phán, tôn trọng lẫn nhau”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ngày 11-6. Phát biểu trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông Lavrov và người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại Matxcơva. Nga tuyên bố không can dự vào công việc nội bộ nước khác nhưng thể hiện quan ngại khi quan hệ giữa các nước Arab xấu đi.

Trung Đông đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong những năm gần đây sau khi Arab Saudi và 8 nước khác cắt quan hệ với Qatar. Các quốc gia vùng Vịnh tố Doha hỗ trợ các nhóm cực đoan, đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash cho biết việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, cô lập Qatar nhằm buộc nước này thay đổi chính sách đối ngoại. Đáp lại, Ngoại trưởng Mohammed đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn, cho rằng “không ai có thể bẻ gãy ý chí của Qatar”.

Hôm 5-6, Bahrain, Ả Rập Saudi, Ai Cập, UAE, cũng như Yemen, Chính phủ lâm thời Libya, Cộng hòa Mauritius và Maldives đã thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố. Một số quốc gia tuyên bố chấm dứt hoạt động vận tải hàng không và trên biển với Qatar, cũng như trục xuất công dân và các nhà ngoại giao của Doha. Qatar lấy làm tiếc về quyết định mà Doha cho là vô căn cứ này.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>