Điều kiện để Iran chấp thuận đàm phán với Mỹ

31/05/2019 | 08:46 GMT+7

Trong khi thái độ thù địch giữa Mỹ và Iran gia tăng từng ngày thì mới đây Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại lễ diễu binh ở Tehran, ngày 22-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Rouhani nêu rõ bất cứ khi nào Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công, thực thi đầy đủ các cam kết và quay trở lại bàn đàm phán mà Washington tự rời bỏ, Iran sẽ mở cánh cửa đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, người dân Iran sẽ chỉ đánh giá phía Mỹ qua các hành động cụ thể.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh Tehran sẵn sàng đối phó với khả năng nổ ra chiến tranh với Mỹ, song vẫn hy vọng căng thẳng giữa hai nước có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã gợi mở nếu Iran muốn đối thoại, Mỹ cũng sẽ làm như vậy, đồng thời nhấn mạnh “Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran”.

Giới quan sát nhận định, cả Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng quay lại đàm phán thay cho thái độ cứng rắn trước đó. Đây được xem là tín hiệu khả quan giúp hạ nhiệt căng thẳng mang tính đối địch giữa Tehran và Washington.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào tháng 5-2018. Đồng thời, Washington cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Căng thẳng leo thang đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông, tuyên bố động thái trên nhằm đối phó với “các mối đe dọa từ Iran”.

Theo giới phân tích, việc Mỹ gia tăng sức ép là buộc Iran trở lại bàn đàm phán để sửa đổi những điều khoản trong JCPOA mà Mỹ cho rằng chưa đủ chặt chẽ vì chưa bao gồm chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

“Giọt nước tràn ly” khi mới đây 4 tàu chở dầu bị tấn công ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phía Mỹ cáo buộc là do Iran đứng sau. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã bác bỏ cáo buộc của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Tehran liên quan đến vụ tấn công này.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Iran, ông Mousavi nêu rõ việc Mỹ đưa ra những cáo buộc “nực cười” như vậy không có gì lạ lẫm. Theo ông, với sự kiên nhẫn, cảnh giác cao độ, và sẵn sàng phòng thủ, Iran sẽ ngăn chặn những âm mưu gây bất ổn khu vực.

Về phần mình, Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động “chiến tranh tâm lý” đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Chính quyền Tehran cũng đã thông báo tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong JCPOA.

Trong một động thái liên quan, Iran đã tăng cường ngoại giao với các quốc gia trong khu vực để tranh thủ tiếng nói chung ủng hộ JCPOA. Theo đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có buổi nói chuyện với người đồng cấp Iraq Mohammed al-Hakim tại Baghdad nhằm kêu gọi thêm các hành động thiết thực để gìn giữ JCPOA. Trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi khởi động chuyến công du một loạt nước Arab vùng Vịnh láng giềng, bao gồm Kuwait, Oman và Qatar... cũng nhằm mục đích vận động ủng hộ JCPOA.

Xét trên bình diện chung, Iran đang thắng thế về mặt ngoại giao khi 5 quốc gia ký kết JCPOA và các quốc gia trong khối Arab đều ủng hộ Iran duy trì thỏa thuận hạt nhân. Do vậy vô hình trung Mỹ đang bị cô lập trên trường ngoại giao quốc tế nên nhiều khả năng Washington sẽ quay trở lại đàm phán với Iran về JCPOA.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>