Dỡ bỏ lệnh cấm vận, điều kiện để Cuba phát triển

03/11/2017 | 05:34 GMT+7

Mặc dù bị Mỹ phản đối nhưng cuối cùng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã thông qua Nghị quyết chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba. Đây là điều kiện để kinh tế Cuba phát triển trong tương lai gần.

Cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Cuba ngày 1-11-2017. Ảnh: UN

Theo đó, với tỷ lệ áp đảo 191 phiếu thuận trên tổng số 193 phiếu (Mỹ và Israel bỏ phiếu chống) tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa 71 đã thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Đây là lần thứ 26 liên tiếp đại đa số các nước thành viên LHQ bày tỏ sự ủng hộ đối với nghị quyết mang tên Báo cáo “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba” do chính phủ Cuba trình lên LHQ hàng năm.

Theo đó, đại diện một loạt quốc gia và các nhóm nước như Không liên kết, G77 châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe, MERCOSUR và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo… đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Hoạt động này đã gây ra nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân Cuba. Mặt khác, việc tăng cường cấm vận chống Cuba đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người của người dân Cuba, ảnh hưởng không chỉ tới sự phát triển của kinh tế Cuba mà còn cả thương mại quốc tế và việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Đại diện các nước cũng đánh giá cao sự đóng góp của Cuba đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, các nước cũng kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ và chấm dứt ngay lệnh cấm vận phi pháp đối với Cuba.

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chống lại nghị quyết trên. Việc làm này đi ngược lại hoàn toàn với chính sách về Cuba của chính quyền tiền nhiệm Obama hồi năm 2016. Khi đó, quan hệ của Mỹ và Cuba đã tiến triển theo hướng gần gũi hơn, sau việc hai bên mở cửa trở lại Đại sứ quán vào năm 2015. Nguyên nhân chính gây ra những bất đồng trên xuất phát từ vụ việc gây tranh cãi liên quan tới các sự cố sức khỏe của 24 nhà ngoại giao Mỹ tại Havana. Trong vụ việc này, phía Mỹ cáo buộc phái đoàn ngoại giao của họ tại Cuba đã bị tấn công bằng một loại vũ khí âm thanh bí mật. Phía Cuba đã hợp tác với Mỹ trong điều tra về vụ việc, kiên quyết bác bỏ giả thuyết trên. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho rằng những cáo buộc kiểu như vậy là có động cơ chính trị nhằm gây tổn hại cho mối quan hệ song phương Mỹ - Cuba. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Washington và La Habana ngày càng xấu hơn.

Trong một diễn biến liên quan, Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cuba (PDCA) được ký vào ngày 12-12-2016 đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các lĩnh vực được cả hai bên cùng quan tâm bao gồm năng lượng tái tạo, phát triển nông thôn, môi trường, quản trị, an ninh, tạo việc làm... Nhiều hoạt động của EU sẽ được xúc tiến với tất cả các chủ thể tại Cuba, bao gồm lĩnh vực công, chính quyền địa phương, toàn bộ khu vực xã hội dân sự, lĩnh vực tư nhân, cũng như các tổ chức quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác song phương giữa EU và Cuba.

Thực tế, quan hệ kinh tế song phương giữa EU và Cuba đã và đang phát triển khá mạnh bất chấp lệnh cấm vận của Washington áp đặt lên La Habana. Theo đó, chỉ trong năm 2017, giá trị đăng ký vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Cuba đã đạt kỷ lục hơn 2 tỉ USD. Như vậy, tính cả các dự án được giới thiệu từ các năm trước tổng cộng danh mục mời gọi FDI của Cuba bao gồm 456 dự án, với tổng số vốn đầu tư dự kiến thu hút là 10,7 tỉ USD.

Giới phân tích cho rằng, dù Mỹ có tiếp tục bao vây cấm vận nhưng quan hệ giữa Cuba với các nước đặc biệt là EU đang phát triển tốt. Mặt khác, Nghị quyết chấm dứt lệnh cấm vận Cuba của LHQ có hiệu lực sẽ tạo điều kiện vững chắc để Cuba phát triển.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>