Dù muốn hay không Brexit cũng diễn ra

15/09/2017 | 08:27 GMT+7

Gần đây, hàng nghìn người dân Anh xuống đường biểu tình kêu gọi chính phủ xem xét lại và từ bỏ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái trên quá muộn vì mọi chuyện đã rồi.

Người dân biểu tình phản đối Brexit ở London. Nguồn: Reuters

Sự kiện trên diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-9 vừa qua trước thời điểm Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu thông qua Dự luật rút khỏi EU. Đoàn người tràn vào quảng trường Trafalgar và tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May trước khi tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống bất chấp sự phản đối của Công đảng đối lập. Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6-2016 về việc Anh rời EU sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức thông báo việc này lên EU hồi tháng 3-2017.

Theo đó, Dự luật rút khỏi EU cho phép chính phủ sửa đổi 12.000 quy định và luật của EU để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh. Tuy nhiên, dự luật hiện vấp phải một số chỉ trích từ Công đảng cho rằng trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng có thể kéo theo nhiều thay đổi lớn trong tiến trình đàm phán với EU. Dự luật rút khỏi EU là 1 trong 7 phần quan trọng liên quan đến luật pháp mà Chính phủ Anh cần Quốc hội thông qua nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình Brexit.

Về phần mình, Thủ tướng May hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, cho rằng đây là “quyết định lịch sử” tạo sự chắc chắn và minh bạch trước khi Anh rời EU. Tuy nhiên, Thủ tướng May tiếp tục đối mặt trước những áp lực cả phe ủng hộ lẫn phe đối lập. Phe ủng hộ Brexit thì yêu cầu chính phủ cần phải đảm bảo một kế hoạch rõ ràng khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019. Trong khi đó, phe đối lập và đông đảo người dân Anh lại phản đối quyết liệt vì cho rằng Brexit sẽ tác động xấu đến nước Anh và cuộc sống của họ.

Thực tế giữa Anh và EU đã có 4 cuộc đàm phán về thỏa thuận Brexit, với thời gian ấn định cụ thể. Vòng đàm phán gần đây nhất và là vòng đàm phán thứ 3 giữa các quan chức EU và Anh kết thúc ngày 31-8 vừa qua. Theo đó, tiến trình đàm phán đều diễn ra khá thuận lợi chỉ có vấn đề dàn xếp tài chính để Anh rời EU được xem là rào cản lớn nhất. EU định giá khoảng 100 tỉ euro, trong khi Anh cho rằng chỉ ở mức 40 tỉ euro cho phí tài chính. Chính điều này nên Anh và Ủy ban châu Âu đã “cùng nhất trí” hoãn lại một tuần vòng đàm phán thứ 4 về Brexit đến ngày 25-9. Theo kế hoạch, sau vòng đàm phán thứ 4, tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét và đánh giá tiến trình các cuộc đàm phán về Brexit, cũng như các thỏa thuận đã đạt được.

Mặc dù vậy nhưng EU và Anh vẫn còn những bất đồng liên quan. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cũng bày tỏ quan ngại về đề xuất của Anh trong vấn đề biên giới Ireland, khẳng định EU sẽ không để Anh sử dụng Ireland như một trường hợp mẫu cho quan hệ thuế quan Anh - EU trong tương lai. Hiện EU cũng từ chối thảo luận về tương lai quan hệ thương mại với EU cho đến tiến trình đàm phán Brexit đạt tiến bộ đáng kể về quyền công dân và hóa đơn tài chính của Anh để rời EU.

Nhiều người dân Anh cho rằng, việc Brexit trước mắt hại nhiều hơn lợi. Do vậy họ phản đối và muốn Chính phủ Anh hủy bỏ Brexit. Tuy nhiên những mong muốn của họ đã quá muộn vì mọi chuyện đã rồi. Nói một cách khác dù muốn hay không, nhanh hay chậm việc Brexit cũng sẽ diễn ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>