EU lo ngăn người di cư

10/03/2020 | 05:20 GMT+7

Các lãnh đạo chính trị châu Âu sợ hãi xảy ra cuộc “đại di cư” vào thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng, chưa kể nếu để tình hình vượt biên trái phép ồ ạt thì những đồng tiền đã bỏ ra trong vài năm qua là vô nghĩa.

Người tị nạn Syria tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Ảnh: GETTY

Hàng nghìn người tị nạn đã đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - quốc gia thành viên EU - sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không ngăn người tị nạn hoặc người di cư rời khỏi nước này nếu họ muốn vậy.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại Brussels vào tuần trước, 27 Bộ trưởng EU khẳng định, tình hình ở biên giới bên ngoài của EU là không thể chấp nhận được, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân theo thỏa thuận đã ký trước đó, trong đó nước này đồng ý ngăn người tị nạn và người di cư sang Hy Lạp.

Tuyên bố của các Bộ trưởng cho biết, việc để làn sóng người di dư bất hợp pháp tràn sang EU là không dung thứ được. Về vấn đề này, EU và các quốc gia thành viên sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, theo luật pháp EU và quốc tế.

Trước đó, một số thành viên EU cũng đã lên tiếng cáo buộc Ankara sử dụng người di cư như một “quân bài mặc cả” với Brussels nhằm nhận được sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai ở Syria.

Trước những cáo buộc này, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ coi người di cư là một công cụ “tống tiền” chính trị. Mục tiêu của hành động mở cửa biên giới không phải nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng hay gây sức ép chính trị để phục vụ cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo người phát ngôn Kalin, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn ép buộc bất kỳ ai ở lại quốc gia này, vốn đã tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn, chủ yếu là người Syria. Ông Kalin nói thêm rằng, năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ có giới hạn, đồng thời hối thúc EU thực hiện cam kết với Ankara hồi năm 2016 nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không hề giấu giếm: “Nếu các nước châu Âu muốn giải quyết vấn đề thì phải ủng hộ các giải pháp chính trị và nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria”.

Dù tuyên bố như thế nào, mọi người đều thấy đó là chuyện “hai năm rõ mười”. Châu Âu đã quá mệt mỏi với chuyện người di cư, nhập cư lậu trong vài năm qua. Vì thế các nước châu Âu cuối cùng buộc phải đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, dẫu vẫn khẳng định “cương quyết không chấp nhận” chuyện dùng người di cư làm phương tiện gây sức ép trong đàm phán.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận chi thêm tiền (khoảng 500 triệu euro) để viện trợ cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng các biện pháp cụ thể khác, như điều kiện cấp visa vào EU dễ dàng hơn cho công dân Thổ.

Số tiền trên được thông báo bổ sung vào khoảng 6 tỉ euro (đã giải ngân được 3,2 tỉ euro) đã chốt từ năm 2016 để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quyết định được đưa ra phải nói là nhanh chóng. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU là ông Josep Borrell đã phải bay sang Ankara ngày 4-3 và trong thời gian đàm phán ở đó còn tuyên bố dành 170 triệu euro (không thuộc số tiền 500 triệu euro nêu trên) viện trợ khẩn cấp “cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Syria”.

Ông Josep Borrell cũng thông báo sẽ sớm tổ chức hội nghị tài trợ cho Syria, giúp quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng: “Chúng tôi nhất trí tổ chức hội nghị ủng hộ cho tương lai của Syria và khu vực vào ngày 29 và 30-6 tới tại Brussels, Bỉ. Hội nghị này sẽ là cơ hội để các nước thảo luận giải pháp cho Syria với sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị cũng là dịp để các nhà tài trợ tiếp tục đưa ra các cam kết hỗ trợ nhân đạo và phát triển cho Syria cũng như khu vực”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>