EU sẽ linh hoạt nhưng Brexit cũng còn khó

12/09/2018 | 08:45 GMT+7

Mặc dù EU đã bật đèn xanh gỡ rối cho tiến trình Brexit nhưng Anh vẫn gặp khó từ trong nội bộ.

Thủ tướng Anh Theresa May tại phiên điều trần trước Hạ viện Anh ở London ngày 18-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng có thêm những chỉ đạo mới cho ông Michel Barnier, người đứng đầu Đoàn đàm phán Brexit của EU nhằm giúp hai bên sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề Anh rời EU. Cụ thể tại cuộc họp thượng đỉnh không chính thức sắp tới của 27 lãnh đạo các nước thành viên EU (trừ Anh) tại thành phố Salzburg, Áo, các nhà lãnh đạo của EU sẽ bàn về việc đưa ra thêm những chỉ đạo mới để ông Barnier có thể sớm kết thúc đàm phán thỏa thuận Brexit với Anh. Bởi lẽ, từ trước đến nay một số nhà ngoại giao cao cấp của Anh luôn phàn nàn rằng ông Barnier quá cứng nhắc khi thực hiện các chỉ dẫn của EU trong quá trình đàm phán khiến cho các cuộc đàm phán nhiều lúc bị rơi vào bế tắc.

Ngoài ra, tại cuộc họp tới đây, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận về hình thức của tuyên bố chính trị đối với vấn đề tương lai quan hệ giữa hai bên, cũng như mức độ chi tiết và chính xác của tuyên bố này.

Động thái mang tính hòa giải này của EU được cho là nhằm giúp Thủ tướng Anh Theresa May vượt qua những chỉ trích mạnh mẽ về kế hoạch Brexit của bà. Mặt khác, lý do để EU đưa ra những chỉ đạo mới cho ông Barnier có thể là vì EU nhận thấy Anh đã cởi mở hơn, thừa nhận vai trò to lớn của Tòa án Tối cao châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp và các vấn đề an ninh.

Hiện EU không chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng May mà tìm cách nhấn mạnh vào những điểm tương đồng để hai bên có thể sớm tiến tới sự nhất trí về thỏa thuận Brexit.

Các nhà ngoại giao cả hai phía đều hy vọng thỏa thuận Brexit sẽ được hai bên nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Brexit đặc biệt sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, trong chính giới Anh tiếp tục có nhiều ý kiến phản đối Thủ tướng May trong đàm phán Brexit. Mới đây, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã trực tiếp chỉ trích vai trò lãnh đạo của Thủ tướng May, cho rằng chiến lược Brexit của bà là “đáng xấu hổ” và lẽ ra không nên để vấn đề đường biên giới Bắc Ireland trở thành vấn đề trung tâm của các cuộc đàm phán. Chính khách này đã công khai chỉ trích mạnh mẽ chiến lược Brexit của Thủ tướng May là “hủy hoại Hiến pháp Anh”, do vậy bất cứ tín hiệu tích cực nào từ phía EU sẽ là sự khích lệ đối với Thủ tướng May.

Còn ông Steve Baker, cựu Thứ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, đã cảnh báo Thủ tướng Theresa May sẽ phải đối mặt với “một sự chia rẽ sâu sắc” trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền nếu bà vẫn kiên quyết theo đuổi Sách Trắng Brexit hay còn gọi là kế hoạch Chequers.

Hiện tại bà May đang đứng trước “một vấn đề lớn” trong cuộc họp đảng Bảo thủ dự kiến diễn ra vào ngày 30-9 đến 3-10 tới. Theo đó, có khoảng 80 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đang sẵn sàng để bỏ phiếu chống lại kế hoạch Chequers. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Anh. Cho nên bà May có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đưa thỏa thuận Brexit thông qua tại Quốc hội Anh. Nếu nghị sĩ nước này từ chối một thỏa thuận vào cuối tháng 12, London sẽ phải đối mặt với kịch bản rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận rõ ràng.

Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề liên quan khác, như: Trao đổi thương mại giữa Anh và EU sẽ buộc phải tuân thủ các quy định hải quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và doanh nghiệp Anh sẽ đột ngột mất đi nhiều ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp đã cảnh báo điều này sẽ tác động nghiêm trọng tới thương mại của Anh… Từ đó cho thấy, con đường Brexit của Anh sẽ gặp không ít chông gai phía trước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>