EU - Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng

17/09/2020 | 08:36 GMT+7

Với ý đồ lôi kéo Liên minh châu Âu (EU) về phía mình để đối phó Mỹ, nhưng Trung Quốc đã không thành công.

Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: TÂN HOA XÃ

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh giữa EU - Trung Quốc nhưng kết quả không như mong muốn của Bắc Kinh. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đã thảo luận các chủ đề về thương mại, khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, nhân quyền và chống đại dịch Covid-19…, nhưng tất cả vẫn phải chờ.

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, cuộc họp lần này vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc thảo luận là chưa đủ, hai bên cần phải chuyển từ lời nói sang hành động. Theo đó, EU và Trung Quốc nhất trí sẽ cùng nhau thúc đẩy cải thiện hợp tác, mong muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng, có đi có lại và dựa trên sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau.

Theo ông Michel, Trung Quốc là đối tác toàn cầu quan trọng trong việc giảm thiểu khí phát thải nhà kính trên toàn cầu và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. EU trông đợi Bắc Kinh nhiều hơn nữa trong chủ đề này.

Về thương mại, ông Michel khẳng định, EU có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và là đối tác thương mại số một của nước này với giá trị giao dịch trung bình giữa hai bên lên tới hơn 1 tỉ euro mỗi ngày. Thương mại có thể tiếp thêm sức mạnh cho sự phục hồi kinh tế của cả hai phía và EU muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh.

Trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Michel cho biết, EU bảo vệ tầm nhìn của mình về một không gian mạng tự do, mở và an toàn, vì lợi ích của công dân và toàn xã hội. Với tư cách là người chơi toàn cầu, EU và Trung Quốc cần có trách nhiệm tương xứng.

Tuy nhiên, những vấn đề còn nhiều bất đồng hiện nay là cách cư xử của Bắc Kinh về Biển Đông, minh bạch về đại dịch Covid-19 và vấn đề nhân quyền giữa EU và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang. Về đại dịch Covid-19, ông Michel cho rằng, chỉ có hành động tập thể và minh bạch mới có thể khống chế được đại dịch và cách duy nhất để tìm ra vắc-xin và triển khai ở mọi quốc gia là dựa trên hợp tác toàn cầu. Ông Michel bày tỏ mong muốn tất cả các quốc gia hợp tác đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng y tế quốc tế đối với Covid-19, đồng thời hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định nguồn gốc của vi-rút.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và EU nên tuân thủ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, mở rộng và hợp tác, chủ nghĩa đa phương, cũng như tăng cường đối thoại và tham vấn để duy trì ổn định và hiệu quả quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai bên.

Trước cuộc họp, EU và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận bảo hộ tên thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau, từ phô mai mặn làm bằng sữa cừu, dê ở Hy Lạp cho đến bột đậu Pixian của Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tôn trọng tên gọi của 100 mặt hàng thực phẩm từ châu Âu và tên gọi 100 mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

Mặc dù hai bên cùng cam kết sẽ nhóm họp thượng đỉnh trực tiếp giữa lãnh đạo các nước thành viên EU và Trung Quốc khi điều kiện cho phép, tuy nhiên đó cũng chỉ là lời hứa trong tương lai chưa có gì là chắc chắn. Như vậy chiến lược lôi kéo EU của Trung Quốc vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể nào.

Châu Âu từ lâu đã là tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Khoảng 75% lượng hàng nhập khẩu của châu lục này đến bằng đường biển, với hải trình qua Bắc Đại Tây Dương đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong khi Trung Quốc tích cực thâu tóm cổ phần tại các cảng lớn của châu Âu. Thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường và các khoản đầu tư của mình, Trung Quốc đang hướng tới thiết lập một chuỗi cung ứng thay thế ở khắp châu Âu và châu Á. Nếu Bắc Kinh có thể phát triển một chuỗi cung ứng xuyên Á-Âu và bảo vệ nó, thì họ sẽ không cần phải đối chọi với Mỹ trong lĩnh vực hàng hải.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>