Giao tranh tại Libya vẫn diễn ra ác liệt

18/04/2019 | 08:19 GMT+7

Gần 2 tuần diễn ra giao tranh đẫm máu giữa các phe phái đối địch nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, Libya, đã khiến nhiều người thương vong. Lo ngại chiến sự ác liệt, hơn 18.000 người dân của quốc gia này phải lánh nạn.

Người tị nạn tại khu lều tạm Ganzour sau khi phải sơ tán tránh xung đột tại Tripoli, Libya, ngày 5-9-2018. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo đó, Quân đội Quốc gia Libya tự phong - một cánh liên minh chống chính phủ - có trụ sở ở miền Đông, đã mở cuộc tấn công lớn từ hôm 5-4 nhằm giành quyền kiểm soát Tripoli khỏi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) do Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ và đứng đầu là Thủ tướng Fayez al Sarraj. Từ đó làm bùng phát các cuộc giao tranh giữa các tay súng liên minh với GNA.

Công tố viên Tòa án hình sự Quốc tế, bà Fatou Bensouda, người đã tham gia điều tra tội phạm ở Libya bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, kêu gọi các tướng lĩnh quân sự ngăn chặn tội ác chiến tranh. Bà khẳng định sẽ “không chần chừ mở rộng cuộc điều tra và kết tội nhằm vào bất kỳ ai gây ra theo đúng thẩm quyền của Tòa”.

Trong khi đó, Anh đã soạn thảo dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an LHQ đề nghị một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Libya sau khi các lực lượng trung thành với thủ lĩnh Khalifa Haftar phát động một cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Dự thảo nghị quyết cho biết, cuộc tấn công do lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của tướng Haftar “đe dọa sự ổn định của Libya và triển vọng đối thoại do LHQ bảo trợ cũng như một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng. Đồng thời yêu cầu tất cả các bên ở Libya ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng, cam kết một lệnh ngừng bắn và phối hợp với LHQ để đảm bảo ngừng hoàn toàn chiến tranh và thù địch trên toàn Libya”.

Khi chưa có giao tranh xảy ra, Libya là một nước khá giàu có và thịnh vượng khi có bờ biển trải dài bên bờ Địa Trung Hải với nhiều hải cảng và cơ sở hạ tầng quan trọng. Trữ lượng dầu mỏ của quốc gia này cũng lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 thế giới. Tuy nhiên, từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này chìm sâu vào hỗn loạn. Đến nay, những căng thẳng leo thang giữa các lực lượng đang khiến Libya có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện và lâu dài.

Đáng quan ngại là cuộc chiến của Lực lượng Quân đội Nhân dân Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar trực tiếp lãnh đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn ở quốc gia này. Nhiều người cho rằng Tướng Haftar đã lên kế hoạch tấn công quân sự từ năm 2014 khi ông kêu gọi một cuộc đảo chính quân sự ở Tripoli. Sau khi nỗ lực lật đổ Quốc hội được bầu dân chủ lần đầu tiên ở Libya bất thành, Tướng Haftar đã triển khai “Chiến dịch Phẩm giá” (Operation Dignity) ở Benghazi một vài tháng sau đó. Kể từ đó đến nay, các cuộc giao tranh đẫm máu do LNA chủ mưu liên tục diễn ra bất chấp lệnh kêu gọi ngừng bắn của LHQ.

Giới phân tích nhận định, hiện tại tình hình xung đột ở Libya có 3 khả năng xảy ra. Thứ nhất, Tướng Haftar có thể biến giao tranh thành một cuộc xung đột mở rộng và cuối cùng sẽ khiến Libya rơi vào thế bế tắc về mặt quân sự. Điều này nghĩa là cuộc chiến ở Libya sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, hoặc thậm chí là nhiều năm nếu hai bên ở Libya tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn từ các quốc gia nước ngoài về vũ khí, đạn dược và tài chính.

Thứ hai, nếu LNA thất bại, Tướng Haftar sẽ rút quân về 2 căn cứ ở thành phố Gharyan và Tarhouna để tiếp tục tính kế lâu dài. Việc LNA thất bại không phải là một viễn cảnh xa vời mà nó có thể thành hiện thực vì GNA được LHQ hỗ trợ.

Khả năng thứ 3 có thể xảy ra với những căng thẳng ở Libya hiện tại là lực lượng LNA với sự hỗ trợ quân sự từ những nước ủng hộ như UAE, Saudi Arabia và Ai Cập sẽ đánh bại các lực lượng hiện tại ở thủ đô Tripoli để chính thức lên nắm quyền đất nước.

Tuy nhiên, cho dù khả năng nào xảy ra thì chiến sự ở Libya vẫn chưa có hồi kết. Điều này đồng nghĩa với việc người dân vô tội sẽ còn phải đổ máu vô nghĩa và còn phải tha phương cầu thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>