Hàng triệu người di cư sẽ tràn vào EU

04/03/2020 | 08:26 GMT+7

Chiến sự tại tỉnh Idlib, Syria diễn ra ngày càng ác liệt đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa di cư sang các quốc gia lân cận.

Người di cư chờ đợi tại vùng biên giới giao giữa Pazarkule, Thổ Nhĩ Kỳ và Kastanies của Hy Lạp ngày 1-3. Ảnh: REUTERS

Những ngày gần đây, tình hình giao tranh dữ dội giữa quân Chính phủ Syria và các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib, miền Bắc Syria đã đi vào hồi kết với phần thắng nghiêng về Quân đội Chính phủ Syria. Cuộc chiến đẫm máu này đã khiến một làn sóng người dân Syria di cư tị nạn qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thực tế trên đã buộc Ankara tuyên bố mở cửa biên giới nước này với châu Âu do không thể tiếp nhận thêm người di cư.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo: “Thời kỳ hy sinh đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người tị nạn đã chấm dứt. Do đó, chúng tôi đã mở cửa biên giới, số người tị nạn hướng tới châu Âu đã lên tới hàng trăm ngàn. Con số này sẽ sớm lên tới hàng triệu người”.

Theo ông Erdogan, các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu ông đóng cửa biên giới, song tình hình đã quá muộn. Ông cho rằng phương Tây cần phải chia sẻ gánh nặng về trách nhiệm tiếp đón người di cư. Ông Erdogan cho biết thêm: “Tôi sẽ gặp Thủ tướng Bulgaria, nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đàm phán bốn hoặc năm bên về tình hình Syria sẽ nằm trong chương trình nghị sự”.

Tuyên bố trên đã khiến Chính phủ Hy Lạp đẩy mạnh các nỗ lực để bảo vệ biên giới nước này. Lực lượng cảnh sát biên giới Hy Lạp đã sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để ngăn chặn người nhập cư tràn vào lãnh thổ.

Đồng quan điểm trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ “đoàn kết toàn diện” với Hy Lạp và Bulgaria trước làn sóng người tị nạn, đồng thời cam kết sẽ cung cấp các biện pháp hỗ trợ bảo vệ biên giới cho hai quốc gia kể trên.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, EU ủng hộ những nỗ lực của Hy Lạp nhằm bảo vệ đường biên giới châu Âu.

Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với Bỉ trong đó cam kết Ankara sẽ chặn dòng người di cư vào châu Âu để đổi lấy hỗ trợ tài chính từ liên minh này. Tuy nhiên, vài năm sau đó, Ankara đã liên tiếp cáo buộc khối EU không cung cấp đủ viện trợ cũng như hỗ trợ tái định cư cho người di cư. Mối quan hệ Ankara - EU đã xấu đi rõ rệt kể từ sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Tại thời điểm đó, Chính phủ của Tổng thống Erdogan đã tiến hành cuộc thanh lọc, sa thải hàng chục ngàn người.

Hiện tại, chiến sự tại tỉnh Idlib - nơi hàng chục ngàn tay súng đối lập và lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với binh sĩ Syria đang leo thang từng ngày. Theo đó, kể từ ngày 27-2 đến nay, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Chính phủ Syria. Động thái trên được cho là để trả đũa Syria sau khi 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong vụ không kích của quân đội Syria. Ngoài ra, mới đây 6 máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tấn công các cứ điểm của binh sĩ Chính phủ Syria cũng bị bắn hạ.

Trong khi đó, các lực lượng của chính quyền Damascus cũng đang hứng chịu tổn thất nặng nề tại khu vực Tây Bắc Syria. Các tay súng đối lập cùng ngày đã tấn công nhiều vị trí của quân chính phủ ở các thị trấn al-Sanamayn, Sheikh Saad, Sahm al-Joulan và Jilin thuộc tỉnh Darra, bắt giữ nhiều binh sĩ. Mặt khác, nhiều máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bay qua biên giới vào không phận Syria và bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của Syria ở Idlib. Theo báo cáo chưa đầy đủ, các đợt tấn công của Ankara đã làm Damascus mất tổng số 2.557 binh sĩ và thành viên lực lượng dân quân, 135 xe tăng cũng như hàng chục hệ thống phóng đa rocket, súng đại bác, súng bắn máy bay gắn trên xe tải.

Liên tục những cuộc chiến đẫm máu diễn ra tại tỉnh Idlib là tác nhân khiến gần 3 triệu người dân tại đây rơi vào tình thế nguy hiểm buộc phải rời bỏ nhà cửa tị nạn.

Trong khi đó, ông Erdogan cảnh báo Syria nhanh chóng rút quân khỏi Idlib về các đường phân định do Thổ Nhĩ Kỳ sắp đặt trước hoặc sẽ phải chịu hậu quả “đầu rơi máu chảy”. Ngược lại, Damascus dưới sự hỗ trợ của Nga quyết tâm giành lấy Idlib trong thời gian ngắn nhất. Từ đó làm cho cuộc chiến càng ác liệt hơn.

Trong một động thái liên quan, dự kiến Tổng thống Erdogan sẽ đến Nga vào ngày 5-3 để đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng Idlib, với hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Giới phân tích nhận định, việc dòng người di cư đang đổ về biên giới Hy Lạp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng tình trạng khẩn cấp về người tị nạn đổ về EU năm 2015 sẽ tái diễn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>