Hòa bình cho Afghanistan vẫn còn xa

04/09/2019 | 20:38 GMT+7

Thông tin Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan đã mở ra triển vọng mới cho quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, để có hòa bình thật sự vẫn còn là bài toán khó.

Mỹ có kế hoạch rút 5.000 quân trong vòng 135 ngày khỏi Afghanistan? Nguồn: NY POST

Theo đó, Mỹ sẽ rút gần 5.000 binh sĩ, từ 5 căn cứ tại Afghanistan trong 5 tháng theo như điều khoản đạt được trong dự thảo thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban. Đổi lại việc Mỹ rút quân này, Taliban sẽ cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố lợi dụng Afghanistan làm “bàn đạp” để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.

Hiện Mỹ có khoảng 14.000 binh sĩ đóng quân tại Afghanistan, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban, cũng như các tổ chức khủng bố bao gồm al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đây được xem là kết quả bước đầu sau quá trình thảo luận kéo dài nhiều tháng giữa Chính phủ Mỹ với đại diện lực lượng Hồi giáo Taliban nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 18 năm qua tại Afghanistan.

Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban cần được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn mới có hiệu lực. Nếu các bên nhất trí, sau khi được ký kết thỏa thuận sẽ có tác dụng mở ra tín hiệu hòa bình cho Afghanistan. Vấn đề còn lại là đàm phán nội bộ Afghanistan nhằm chấm dứt xung đột giữa Taliban và chính phủ do phương Tây hậu thuẫn.

Như vậy, vòng đàm phán thứ 9 giữa các đại diện của Mỹ và lực lượng Taliban khởi động từ ngày 22 đến 31-8 tại Doha vừa qua, được coi là vòng đối thoại mang tính quyết định đối với việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ qua tại quốc gia Tây Nam Á này sau khi cả hai bên đều phát đi những tín hiệu sắp tiến gần tới một thỏa thuận. Theo ông Khalilzad, mọi diễn biến tiếp theo tùy thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các phe phái Afghanistan.

Nhiều khả năng, các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan sẽ diễn ra tại Na Uy, với mục tiêu là đạt được một thỏa thuận chính trị sâu rộng hơn và chấm dứt cuộc chiến giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban. Cho đến nay, Taliban vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với chính quyền trung ương Kabul.

Việc Mỹ khởi động rút quân khỏi Afghanistan theo thỏa thuận được nhiều quốc gia quan tâm. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Matxcơva sẵn sàng đóng vai trò là nhà bảo trợ đối với bất cứ hiệp định hòa bình nào dành cho Afghanistan được thống nhất giữa Mỹ và Taliban. 

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, NATO “hoàn toàn ủng hộ” nỗ lực của Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình ở Afghanistan. Đồng thời, ông lên án những cuộc tấn công kinh hoàng gần đây và NATO vẫn cam kết hỗ trợ các lực lượng Afghanistan.

Trong một động thái liên quan, một vài cố vấn Nhà Trắng đề xuất bí mật mở rộng sự hiện diện của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) tại Afghanistan trong trường hợp Mỹ rút quân. Một vài quan chức bày tỏ họ muốn lực lượng được CIA hậu thuẫn hiện diện tại Afghanistan như một phần trong lực lượng chống khủng bố. Họ cho rằng lực lượng trên có thể dập tắt những mối lo ngại rằng Mỹ không còn khả năng ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động.

Động thái trên của Mỹ sẽ là trở lực cản trở tiến trình hòa bình ở Afghanistan.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, kể từ tháng 1-2009 đến nay, xung đột diễn ra ở Afghanistan đã làm hàng trăm nghìn người thương vong. Trong đó, có hơn 32.500 thường dân đã thiệt mạng và gần 60.000 người bị thương.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>