Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập

06/09/2017 | 07:31 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang diễn ra ở Trung Quốc đã bàn nhiều vấn đề “nóng” trên thế giới được nhiều người quan tâm.

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị BRICS tổ chức ở Trung Quốc ngày 4-9. Ảnh: AP

Tham dự hội nghị lần này có Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bên cạnh 5 nước thành viên, còn có đại diện 5 nước khác là Ai Cập, Mexico, Thái Lan, Guinea và Tadjikistan. Chủ đề mà hội nghị đưa ra là “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng” nên nhiều vấn đề “nóng” được đề cập tại đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi phức tạp và sâu sắc hiện nay, hợp tác giữa các nước BRICS đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời kêu gọi các nước thành viên BRICS nên thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực chống chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy cải cách năng lực điều hành kinh tế thế giới.

Liên quan tới vấn đề chống khủng bố, các nhà lãnh đạo BRICS đã lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thực thi hiệu quả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và thành lập một liên minh chống khủng bố. Tuyên bố chung nhấn mạnh các nước cần đoàn kết chống lại các tổ chức khủng bố, theo các quy định của luật pháp quốc tế.

Hội nghị cũng đề cập đến những quan ngại về điểm “nóng” Triều Tiên khi mới đây Bình Nhưỡng đã thử thành công bom H (bom nhiệt hạch). Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là vụ thử hạt nhân có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục đẩy mạnh các kênh liên lạc tìm kiếm giải pháp cho tình hình ngày càng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hiện ba nước đã tăng cường hợp tác nhằm cô lập và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Lãnh đạo các nước BRICS tham dự hội nghị này đã kêu gọi cải tổ LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tăng cường tính đại diện cho các nước đang phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thể chế này, qua đó có thể phản ứng phù hợp với các thách thức toàn cầu.

Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan cũng được hội nghị đề cập, như: kêu gọi BRICS tham gia vào tiến trình giải quyết tình hình tại Syria, khôi phục đất nước bị chiến tranh tàn phá này bằng các dự án nhân đạo, giải quyết những bất đồng của các quốc gia trong nhóm… Trong đó, đáng chú ý là bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bởi chỉ mấy ngày trước đó, hai cường quốc châu Á này mới tháo được “ngòi nổ” của một cuộc chiến biên giới sau hơn 2 tháng căng thẳng. Rồi nhiều dấu hỏi và sự hoài nghi khác sẽ hướng về nội tình của Brazil, Nam Phi và về thực trạng của nền kinh tế Nga…

Giới quan sát cho rằng, khác xa với những ánh hào quang từ những ngày đầu ra đời 1 thập kỷ trước, BRICS giờ đây đang đứng trước những nghi ngờ liệu nó có thực sự trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế thế giới hay không, hay chỉ đơn giản tồn tại như là một nhóm tượng trưng được liên kết với nhau bởi các chữ cái?

BRICS là tên viết tắt bằng tiếng Anh để chỉ Nhóm các nước nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm này được thành lập từ năm 2001 bao gồm 4 nước (chưa có Nam Phi) nên được gọi là BRIC. Đến năm 2010 thì Nhóm có thêm Nam Phi, nên được gọi là BRICS. Đây là những nước có đông dân số, diện tích rộng lớn, tiềm lực quân sự hùng mạnh. Về mặt kinh tế, đây là các nền kinh tế đang nổi lên có tiềm lực kinh tế hùng hậu, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. 5 nước BRICS chiếm đến 22,5% tổng GDP của kinh tế thế giới tính đến cuối năm 2016. Nhưng đó cũng lại là một vấn đề đáng bàn bởi trong 22,5% đó, riêng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm khoảng 15%, trong khi các nền kinh tế như Nga chỉ chiếm 1,7%. Tuy nhiên, gần đây trong nhóm đã xảy ra những bất đồng trong quan hệ đối ngoại nên tiềm lực không còn mạnh như mong muốn.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>