Hy vọng trong cuộc đua vắc-xin ngừa Covid-19

15/09/2020 | 08:50 GMT+7

Cuộc đua tìm vắc-xin ngừa Covid-19 đã được khởi động từ đầu năm, lúc Covid-19 bùng phát toàn cầu. Song, đến khi Nga đăng ký loại vắc-xin có tên Sputnik V và sản xuất lô đầu tiên thì cuộc cạnh tranh càng “nóng” hơn.

Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya tuyển dụng 40.000 người tình nguyện cho giai đoạn 3. Ảnh: REUTERS

Nga đã phân phối lô vắc-xin ngừa Covid-19 Sputnik V đầu tiên đến 85 vùng khắp nước, dự kiến đến tay khách hàng trong ngày 14-9.

Vắc-xin Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya ở Matxcơva nghiên cứu, được Nga cấp phép từ tháng 8 và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới. Trước đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vắc-xin Sputnik V được thực hiện vào tháng 6 và 7, với sự tham gia của 76 tình nguyện viên, cho thấy 100% số người tham gia phát triển kháng thể chống lại vi-rút SARS-CoV-2 và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Việc Nga cấp phép cho vắc-xin Sputnik V gây ra nhiều tranh cãi và hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả, một trong những lý do được đưa ra là Nga không tiết lộ bất cứ dữ liệu nào về loại vắc-xin này. Tuy nhiên, đầu tháng 9, tạp chí y khoa The Lancet (Anh) công nhận Sputnik V và khẳng định loại vắc-xin do Nga sản xuất có hiệu quả 100% trong việc tạo ra kháng thể. Đánh giá phản ứng miễn dịch, giáo sư dịch tễ học Peter Openshaw thuộc Trường Đại học London xem Sputnik V là một trong những vắc-xin hứa hẹn nhất.

Chuyên gia chính sách y tế công cộng Michael Head tại Trường Đại học Southampton của Anh đồng ý rằng vắc-xin của Nga có vẻ “đầy hứa hẹn” nhưng cần phải có các nghiên cứu sâu hơn. Chính phủ Nga ước tính từ năm 2020 đến năm 2021, hơn 1 tỉ người sẽ tiêm Sputnik V trên toàn thế giới.

Hôm 12-9, hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca thông báo đã khôi phục tiến trình thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Anh. Trước đó, AstraZeneca cho ngừng toàn bộ thử nghiệm ở các nước do một người tham gia thử nghiệm ở Anh gặp triệu chứng viêm tủy ngang (một tình trạng viêm ở một đoạn của tủy sống). AstraZeneca cho biết ủy ban độc lập đã hoàn tất cuộc điều tra và Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Anh xác nhận đủ an toàn để khôi phục thử nghiệm.

Trong khi đó, từ đầu đại dịch Covid-19, chính phủ Mỹ chi 10 tỉ USD nhằm cung cấp 300 triệu liều vắc-xin cho người dân trước tháng 1-2021. Kể từ đó, chính phủ chi tiền cho nhiều công ty để phát triển vắc-xin, như Novavax, Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZenca.

Còn Trung Quốc hôm 9-9, phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới (Covid-19) dạng xịt mũi đầu tiên trên thế giới. Vắc-xin trên là ứng viên thứ 10 của Trung Quốc đến được giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người. Loại vắc-xin này chứa vi-rút cúm đã được làm suy yếu và mang các phân đoạn gien protein dằm của vi-rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19.

Theo hãng tin Bloomberg, hiện có khoảng 36 vắc-xin ngừa Covid-19 được thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới và Trung Quốc đang tạm dẫn đầu trong cuộc đua này, đặc biệt là sau khi Công ty Dược AstraZeneca (Anh) buộc phải hoãn các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối do tình trạng viêm tủy sống không rõ nguyên nhân ở một tình nguyện viên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng ca ngợi vắc-xin của AstraZeneca, được đồng phát triển bởi Trường Đại học Oxford (Anh), là ứng viên “tiềm năng nhất”.

Theo sau thông báo của AstraZeneca, những công ty phát triển vắc-xin hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm CanSino Biologics và China National Biotec Group, nhấn mạnh các sản phẩm đang được họ thử nghiệm đều an toàn và hiệu quả.

Trong một tuyên bố hôm 10-9, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan lưu ý rằng phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 là “một cuộc đua để cứu sống sinh mạng, không phải là một cuộc đua giữa các công ty hay các quốc gia”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>