Iran để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ ?

17/07/2019 | 18:06 GMT+7

Cả Mỹ và Iran đều có những động thái bất ngờ làm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên. Điều này có nằm trong toan tính cho tương lai hai nước trong thời gian tới ?

Cờ Mỹ và Iran. Ảnh: Shutterstock

Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ “ngay bây giờ và ở bất cứ nơi đâu”, nhưng chỉ với điều kiện các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này phải được dỡ bỏ và Mỹ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Điều kiện đàm phán phía Iran vừa đưa ra là mức xuất khẩu dầu phải ngang với trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5-2018.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra tuyên bố trên giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran leo thang từng ngày có thể dẫn đến chiến tranh bất cứ lúc nào.

Trong một tuyên bố đưa ra về Iran hôm 16-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo đã đạt được nhiều bước tiến với Iran, đồng thời khẳng định ông không tìm cách thay đổi chế độ tại quốc gia Hồi giáo này.

Cùng thời gian này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã phê chuẩn cấp thị thực cho người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tới Mỹ tham dự một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm tháo gỡ các vấn đề toàn cầu như xung đột, đói nghèo, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu trước năm 2030.

Phái đoàn của Iran tại LHQ cũng đã xác nhận thông tin trên.

Ngoại trưởng Zarif vừa là lãnh đạo ngành ngoại giao và cũng là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran. Vì vậy, nếu Ngoại trưởng Mỹ không chấp thuận việc cấp thị thực cho quan chức Iran vào Mỹ sẽ phát đi tín hiệu rằng Washington đang cố gắng cô lập hơn nữa và đóng sập cánh cửa ngoại giao với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Quan hệ Mỹ - Iran vốn dĩ rơi vào trạng thái căng thẳng kể từ tháng 5-2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA. Diễn biến càng xấu hơn trong vòng hơn 2 tháng qua khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nên đã tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran.

Đáp trả lại những động thái trên, Tổng thống Iran Rouhani đã tuyên bố Iran có thể chống đỡ trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm vào nước này, đồng thời cho rằng sức ép của Mỹ với Iran là “vô tác dụng”. Ông Rouhani khẳng định: “Mọi nỗ lực của Mỹ để gây sức ép với Iran trong 14 tháng qua, cho dù đó là thông qua các biện pháp xã hội, chính trị hay pháp lý nào thì tất cả đều dẫn đến thất bại”.

Cùng thời gian này, Iran cũng quyết định điều chỉnh phạm vi tuân thủ thỏa thuận hạt nhân kể từ đầu tháng 7. Theo đó, Tehran đã làm giàu nhanh urani vượt mức cho phép 3,67% theo quy định và có nhiều nguy cơ sẽ dẫn đến sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nước lớn trong Liên minh châu Âu kêu gọi một cuộc họp khẩn nhằm giải quyết vấn đề. Pháp, Anh và Đức cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng ở khu vực vùng Vịnh và nguy cơ thỏa thuận hạt nhân có thể sụp đổ. Tuyên bố chung được văn phòng của Tổng thống Pháp vừa đưa ra nêu rõ, đã đến lúc các bên liên quan phải hành động có trách nhiệm, tìm cách ngăn chặn leo thang căng thẳng và tiếp tục đối thoại.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran ngoài miệng đều nói không muốn tránh chiến tranh, song hành động cứng rắn của mỗi bên vẫn cho thấy mối quan hệ sóng gió giữa hai bên không dễ gì hóa giải trong phút chốc. Hiện cũng không thể loại trừ khả năng những quyết định tồi tệ, thiếu tính toán của chính Mỹ và Iran sẽ tiếp tục đẩy hai bên đứng bên bờ vực của một cuộc chiến không khoan nhượng với những hậu quả chưa thể lường trước được.

Để hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Iran cần có những cuộc đàm phán sòng phẳng giữa hai bên dưới sự tác động của LHQ và các quốc gia liên quan. Tuy nhiên để đảm bảo thành công yếu tố cần và đủ là “thiện chí” của cả hai phía.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>