Iran gửi lời cảnh báo, Mỹ sởn gai ốc

28/11/2019 | 08:29 GMT+7

“Chúng tôi sẽ hủy diệt họ” là lời cảnh báo mà Iran vừa gửi đến Mỹ và đồng minh làm nhiều người quan ngại một cuộc chiến sắp diễn ra.

Tướng Hossein Salami - đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: AP

Đó là tuyên bố của Tướng Hossein Salami đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trước hàng chục nghìn người tại Quảng trường Cách mạng Tehran. Tướng Hossein Salami khẳng định: “Chúng tôi đã kiềm chế... Chúng tôi đã thể hiện sự kiên nhẫn trước các động thái thù địch của Mỹ, IsraelSaudi Arabia khi họ chống lại Iran. Nhưng nếu họ vượt qua lằn ranh đỏ, chúng tôi sẽ hủy diệt họ. Chúng tôi sẽ không để bất kỳ động thái nào diễn ra mà không đáp trả lại”.

Sở dĩ Iran đưa ra tuyên bố gay gắt trên là vì nước này cho rằng Mỹ, Anh, Saudi Arabia và Israel đã “châm ngòi” kích động biểu tình bạo lực sau khi Tehran thông báo giá nhiên liệu tăng cao. Hệ lụy của nó đã khiến nội bộ nước Cộng hòa Hồi giáo này chia rẽ ngày càng sâu sắc. Nền kinh tế Iran vốn dĩ đã suy yếu kể từ khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 lại tiếp tục rơi vào tình thế khó khăn hơn.

Trong một diễn biến liên quan, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cho biết nhà chức trách nước này vừa ngăn chặn một âm mưu phá nổ các đường ống dẫn dầu ở khu vực Asalouyeh, miền Nam Iran với cáo buộc do Mỹ đứng sau giật dây. Âm mưu tấn công các cơ sở năng lượng ở Asalouyeh diễn ra trong bối cảnh “bạo loạn” tại một số thành phố của Iran thời gian gần đây liên quan việc tăng giá xăng dầu. Nhà chức trách cho biết, có 5 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực, khi những người biểu tình quá khích phóng hỏa các trạm xăng, ngân hàng và nhiều khu vực công cộng khác.

Theo chính sách mới, Iran sẽ áp dụng phân phối xăng dầu và tăng giá từ 50% trở lên đối với xăng dầu bơm tại các trạm nhằm bỏ trợ giá xăng dầu được cho là nguyên nhân gia tăng lượng tiêu thụ xăng dầu cũng như tình trạng buôn lậu xăng dầu tràn lan. Tiền thu được từ việc tăng giá xăng dầu sẽ được dùng để trợ cấp bổ sung cho 60 triệu người đang trong tình cảnh khó khăn.

Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố đã giải quyết thành công cuộc bạo loạn mà Tehran cáo buộc do các thế lực thù địch nước ngoài xúi giục người biểu tình liên quan đến tăng giá nhiên liệu.

Căng thẳng giữa Iran với Mỹ gia tăng kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm ngoái. Tiếp sau đó là việc Mỹ khôi phục và gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran làm cho Tehran lâm vào cảnh khó khăn. Gần đây nhất, sau các lệnh trừng phạt mới đối với 9 người thân cận của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, Mỹ lại thông báo chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt với tổ hợp hạt nhân Fordow ở phía Nam Iran. Động thái của Mỹ được đưa ra vào thời điểm JCPOA đang ngày càng trở nên mong manh hơn.

Về phần mình, Iran mới đây bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow nhằm khôi phục quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn mức 3,67% như đã nêu trong JCPOA. Đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục làm giàu urani hơn nữa bất chấp cảnh báo của Mỹ và các quốc gia liên quan.

Trong một diễn biến mới nhất, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa thông báo, Iran tiếp tục vi phạm một giới hạn khác trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc. Báo cáo của IAEA nêu rõ, Iran đã thông báo cho IAEA rằng dự trữ nước nặng của nước này đã vượt quá mức trần 130 tấn theo thỏa thuận hạt nhân.

Những động thái trên cho thấy, Iran gần như đã “lật bài ngửa” khi giảm dần các cam kết hạt nhân thông qua nỗ lực làm giàu urani một cách thần tốc. Điều này đồng nghĩa Tehran đã ngầm quay lại phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp cảnh báo của các quốc gia liên quan.

Mặt khác, xâu chuỗi các sự kiện liên quan gần đây và tuyên bố hủy diệt Mỹ cùng đồng minh của Iran cũng thể hiện rõ ràng mục đích theo đuổi vũ khí hạt nhân của Tehran. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia liên quan đau đầu tìm giải pháp khắc phục nhưng xem ra quá khó tìm lời giải thỏa đáng hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>