Iran tuyên bố sẵn sàng nâng cấp năng lực làm giàu uranium: Quốc tế quan ngại

07/06/2018 | 08:46 GMT+7

Một mặt kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án việc Mỹ rút khỏi JCPOA mặt khác Iran lại tuyên bố sẽ gia tăng năng lực làm giàu uranium. Động thái này của Tehran làm dấy lên quan ngại cho nhiều quốc gia.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Nguồn: AP

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei thông báo đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để gia tăng nang lực làm giàu uranium nếu thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) bị sụp đổ sau khi Mỹ đã rút thỏa thuận này. Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết, trường hợp Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu đã ký kết thỏa thuận không thể bảo vệ được lợi ích kinh tế của Iran, ông sẽ ra lệnh cho Cơ quan Nguyên tử Iran sẵn sàng nâng cấp khả năng làm giàu uranium, tuy nhiên vẫn trong khuôn khổ JCPOA.

Mới đây, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cho biết nước này đã bắt đầu công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng để lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở hạt nhân Natanz.

Thông tin trên cũng được Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận. Hiện EU cho biết thông báo của Iran về việc tăng khả năng làm giàu uranium không vi phạm các cam kết của nước này trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Phát ngôn viên của Cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EEAS) Maja Kocijancic nói theo đánh giá ban đầu, các biện pháp mà Iran vừa thông báo không vi phạm JCPOA.

Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo này không rút khỏi JCPOA. Theo đó, EU đang cân nhắc đề xuất thiết lập những kênh thanh toán và tín dụng mới cho Iran, gia tăng hợp tác năng lượng và áp dụng luật cho phép các doanh nghiệp EU không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Vấn đề hạt nhân Iran “nóng” trở lại sau khi ngày 8-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do văn kiện này không ngăn cản được Iran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hỗ trợ khủng bố trong khu vực. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran và sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt ở mức cao nhất. Trong khi đó, IAEA khẳng định Iran đã tuân thủ tất cả các điều kiện được đưa ra trong JCPOA.

Đáp trả hành động này của Mỹ, Iran tuyên bố sẽ tăng khả năng làm giàu uranium - nền tảng để phát triển vũ khí hạt nhân - nếu JCPOA bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông trong tương lai làm cho nhiều tổ chức, quốc gia liên quan lo lắng.

Thực tế, hiện nay việc Mỹ rút khỏi JCPOA, Nga, Trung Quốc hờ hững khiến nỗ lực của Anh, Pháp và Đức nhằm níu kéo Iran tuân thủ JCPOA sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, điều duy nhất Anh, Pháp và Đức có thể làm là cố gắng đáp ứng các yêu cầu của phía Iran, nhằm duy trì sự tham dự của quốc gia Trung Đông này trong JCPOA. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng ngay cả khi người châu Âu tỏ ra “rất nghiêm túc” trong những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tehran “nghi ngờ năng lực của EU để thực hiện điều này”.

Giới phân tích cho rằng, Tehran đang mong chờ Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những động thái tích cực và thiện chí hơn để duy trì JCPOA. Hy vọng này có thành hiện thực hay không se có câu trả lời tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra ở thành phố Thanh Đảo vào 2 ngày 9 và 10-6 tới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>