Iran và EU hợp tác cứu vãn JCPOA

24/05/2018 | 08:36 GMT+7

Cùng với nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, cùng với Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, cả Tehran và EU đều muốn duy trì hợp tác kinh tế.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, vấn đề kinh tế Iran và quan hệ kinh tế Iran - EU trở thành vấn đề nóng trong những ngày qua. Ảnh: JEWISH JOURNAL

Hành động cụ thể sau khi tuyên bố rút khỏi JCPOA là Mỹ gia tăng áp lực tài chính lên Iran với “những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử”. Động thái này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Iran, Mỹ và cả EU. Mỹ còn đưa ra điều kiện nếu muốn thực hiện thỏa thuận mới phía Iran phải đáp ứng 12 yêu sách của Washington.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái che plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel. Ông Pompeo cũng kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mới.

Về lĩnh vực kinh tế, mặc dù thừa nhận quyết định của Tổng thống Trump sẽ gây ra những khó khăn về tài chính và kinh tế cho lượng lớn các đối tác của Mỹ, tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Washington sẽ trừng phạt những doanh nghiệp châu Âu nếu tiếp tục kinh doanh tại Iran mà vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, các nước EU và Iran đang tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố: “Không có giải pháp thay thế nào cho thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015”. Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất của EU với Mỹ. Theo dự kiến, ngày 25-5 tới, Ủy ban chung gồm Nhóm P5+1 (khả năng vắng Mỹ) cùng với Iran và EU sẽ tổ chức một cuộc họp tại thủ đô Vienna, Áo, theo yêu cầu của Iran nhằm tìm giải pháp khả thi giải cứu JCPOA và hợp tác kinh tế giữa các bên liên quan.

Hiện các nước châu Âu cùng Trung Quốc, Nga đều thể hiện “thiện chí” muốn ở lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để trừng phạt Iran cùng các đối tác “làm ăn” với quốc gia Trung Đông này. Điều này sẽ khiến cho chính châu Âu, vốn là đồng minh của Mỹ cũng như các doanh nghiệp của “lục địa già” này sẽ gặp nhiều ảnh hưởng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cuộc đàm phán mới giữa Iran và các đối tác Pháp, Anh và Đức cùng đại diện EU đã được tiến hành. Các bên đã đạt được sự đồng thuận trong việc duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Iran; tiếp tục để Tehran bán các sản phẩm dầu mỏ, hóa dầu và các giao dịch liên quan, các giao dịch ngân hàng, tiếp tục quan hệ giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không và đường sắt với Iran, tiếp tục phát triển và thực hiện Biên bản ghi nhớ và hợp đồng giữa các công ty châu Âu và các đối tác Iran. Điều này vô hình chung đã đẩy Mỹ đứng ngoài cuộc chơi kinh tế.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ những lời đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đồng thời tuyên bố phần còn lại của thế giới không còn chấp nhận việc Washington quyết định thay cho họ nữa. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng Mỹ đang lặp lại “những sự lựa chọn sai lầm giống như trước kia”.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ rút khỏi JCPOA là một sai lầm, khi trong bối cảnh các nước thuộc EU và Iran đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này. Mặt khác, hành động của Mỹ đã vô hình chung đẩy các đồng minh xa lánh mình và nhường chỗ cho Nga đặt chân ngoại giao với Iran mở ra mối quan hệ mới tại Trung Đông. Điều này càng khiến Iran không dễ dàng chịu khuất phục trước sức ép và đòi hỏi được cho là “thái quá” từ phía Mỹ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>