Iran và Israel bên bờ vực chiến tranh

25/01/2019 | 11:00 GMT+7

Những vụ nã pháo vào nhau giữa Iran và Israel liên tục diễn ra đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Đây là ngòi nổ chậm có nguy cơ sẽ dẫn đến chiến tranh nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế.

Hình ảnh được cho là tên lửa hành trình đang bay trên bầu trời Damascus hôm 21-1. Ảnh: AFP

Những ngày qua, lực lượng quốc phòng Israel đã liên tục tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran tại quốc gia láng giềng Syria. Động thái này được cho là nhằm đáp trả một vụ tấn công bằng rocket của Iran nhằm vào phía Bắc Cao nguyên Goland nhưng bị hệ thống phòng thủ “Vòm Sắt” của Israel đánh chặn trước đó. Giới chức Israel đã công khai tuyên bố, những vụ tấn công vừa qua đã nhằm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ở Syria, bao gồm các kho vũ khí, chủ yếu ở khu vực sân bay quốc tế Damascus.

Động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel đã dấy lên quan ngại sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran trên bầu trời Syria đã cho thấy cuộc chiến “ngầm” giữa 2 quốc gia này trong 2 năm qua đang dần trở thành một cuộc chiến công khai.

Trước đây, Israel chủ yếu lặng lẽ tấn công nhằm vào Iran, nhưng trong những tuần gần đây, cả các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị nước này đều lên tiếng công khai về các cuộc tấn công. Chính sách này được cho là một thông điệp mà Israel muốn gửi đến những chủ thể quan trọng ở Syria, gồm cả Tổng thống Syria Assad và Nga rằng nếu Iran tiếp tục hiện diện ở Syria, Israel sẽ có các hành động cứng rắn hơn.

Israel luôn coi Iran là kẻ thù lớn nhất và khi cuộc chiến ở Syria dần ngã ngũ, quốc gia này nhiều lần cảnh báo sẽ không để quân đội Iran - lực lượng sát cánh cùng chính quyền ông Assad - tiếp tục hiện diện lâu dài ở Syria sau chiến tranh.

Trước những căng thẳng đang gia tăng từng ngày giữa Israel và Iran, Nga kêu gọi Israel chấm dứt các cuộc không kích tùy tiện nhằm vào Syria. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là cả Nga và Mỹ - hai cường quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng khi cuộc chiến Syria đã đến hồi kết lại không còn mặn mà can thiệp.

Giới quan sát nhận định, Nga đang âm thầm với các kế hoạch cho tương lai của Syria. Còn Mỹ càng ngày không còn nhiều “mặn mà” với Syria và khu vực xung quanh. Hay nói một cách khác, Mỹ đang nhường quyền kiểm soát Syria cho Nga mà không đòi hỏi điều kiện nào khác. Cụ thể là, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo Mỹ rút 2.000 quân khỏi Syria một cách nhanh chóng và đầy đủ, đồng thời khẳng định IS đã bị đánh bại. Mặc dù còn lần lữa nhưng sớm hay muộn Mỹ vẫn rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.

Trên thực tế, lâu nay Mỹ luôn khẳng định bảo vệ người Kurd, xem đây là đồng minh tại Syria và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải đảm bảo an toàn cho lực lượng này tại Syria sau khi Washington rút quân nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối và cho rằng người Kurd là lực lượng khủng bố. Thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và lực lượng người Kurd giống như một “cuộc hôn nhân đầy toan tính” hơn là những nghĩa vụ tự nguyện. Do vậy không lấy làm lạ, Mỹ vẫn im hơi lặn tiếng trước những diễn biến có ảnh hưởng không nhỏ đến đồng minh này.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là bản chất cuộc chiến ở Syria từ năm 2011 đến nay không mang lại lợi ích gì cho cả Nga và Mỹ mà ngược lại còn hao tốn rất nhiều nhân lực, vật lực nên họ không còn thiết tha với quốc gia Trung Đông này nữa.

Tất cả những lý do trên càng minh chứng cho lập luận cả Nga và Mỹ đều làm lờ mặc cho Israel và Iran gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh. Khi các cường quốc trên thế giới để lại khoảng trống ở Syria, cuộc chiến giữa Israel và Iran sẽ ngày càng leo thang mà không có ai ngăn chặn. Và có thể, trước khi kết thúc cuộc chiến này, Trung Đông lại bước vào một cuộc chiến mới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>