IS chưa chết hẳn

22/04/2019 | 08:00 GMT+7

Dù mất lãnh thổ ở Syria và Iraq, các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng khi chúng mở rộng hoạt động ở châu Âu và châu Á.

IS có ý định bành trướng tại châu Phi. Ảnh: ISRAELINK

Hôm 20-4, IS mở cuộc tấn công dữ dội vào khu vực al-Koum, phía Bắc thành phố Palmyra, giết chết 15 binh sĩ Syria và thành viên của các lực lượng đồng minh. Trước đó, trên cổng tin tức Amaq, IS cũng tuyên bố khoảng 20 binh sĩ Syria đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi bị phục kích và đụng độ ở vùng al-Sukhna - nằm giữa hai thành phố Palmyra và Deir al-Zor.

Những cuộc tấn công của IS diễn ra ngay sau khi NDF và quân đội Ả Rập Syria (SAA) tuyên bố đang chuẩn bị cho chiến dịch truy quét IS trên sa mạc Hama-Homs-Deir Ezzor. Rõ ràng, đây là lời thách thức của IS đối với lực lượng chính phủ.

Sa mạc Hama-Homs-Deir Ezzor là nơi ẩn náu của hàng ngàn chiến binh IS. Tại đây, các tay súng khủng bố vừa có thể lẩn trốn vừa có thể liên hệ nhận viện trợ từ “lò ấp khủng bố” al-Tanf.

Các cuộc tấn công gần đây được xem là lớn nhất của IS kể từ khi tổ chức này để mất thành trì cuối cùng ở Syria - ngôi làng Baghuz hôm 22-3. Các quan chức Mỹ tin rằng khoảng 15.000-20.000 thành viên và những kẻ ủng hộ IS đang hoạt động trong khu vực, đặc biệt là vùng sa mạc hẻo lánh ở miền Trung Syria.

IS từng chiếm đóng một khu vực rộng 88.000km2 trải dài trên khắp Syria và Iraq cho đến khi Liên minh SDF (Lực lượng Dân chủ Syria) do người Kurd dẫn đầu đánh bật chúng khỏi thành trì cuối cùng tại Syria hồi đầu tháng 3.

Đáng chú ý, sau khi thất bại ở Syria, IS vừa tuyên bố thành lập một tỉnh mới ở miền Trung châu Phi. Hãng tin AP dẫn lời Tổ chức tình báo SITE - chuyên theo dõi các trang web của phần tử thánh chiến, cho biết đây là lần đầu tiên IS đề cập cái gọi là tỉnh Trung Phi của Nhà nước Hồi giáo.

Tuyên bố thành lập tỉnh mới ở miền Trung châu Phi được đưa ra sau khi IS được cho là giết chết 3 binh sĩ Congo và làm bị thương 5 người khác trong một cuộc tấn công ở phía Đông Beni, gần biên giới Congo với Uganda. Miền Đông Congo là địa bàn hoạt động của các nhóm phiến quân đang tranh giành nhau để kiểm soát vùng đất giàu khoáng sản.

Tổng thống Congo Felix Tshisekedi đã lên tiếng cảnh báo rằng IS đang trở thành mối đe dọa đối với quốc gia của ông, đồng thời cho biết Congo sẽ tham gia cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ ra khỏi Syria, lấy lý do IS đã bị đánh bại. Nhưng sau đó, ông đổi ý vì các tướng lĩnh và chính trị gia quân sự lo ngại một động thái như vậy sẽ cho phép IS hồi sinh. Nhà lãnh đạo Mỹ đã được thuyết phục để lại khoảng 400 binh sĩ Mỹ ở Syria.

Trong một diễn biến khác, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang kêu gọi giúp đỡ hàng ngàn trẻ em nước ngoài bị mắc kẹt trong trại al-Hol của IS ở Đông Bắc Syria. Đài Aljazeera cho biết, Điều phối viên nhân đạo của LHQ về cuộc khủng hoảng Syria Panos Moumtzis, hôm 17-4 đề nghị các chính phủ không bỏ rơi 2.500 trẻ em bị cầm giữ trong một khu vực “hạn chế” ở trại al-Hol. Ông Moumtzis kêu gọi các quốc gia liên quan giúp hồi hương công dân họ trong bối cảnh một số nước châu Âu từ chối tiếp nhận những người từng gia nhập hàng ngũ IS.

Ước tính hơn 30.000 người nước ngoài, bao gồm 6.000 công dân châu Âu, đã tới Trung Đông để chiến đấu cho IS. Theo Hội Chữ thập đỏ, khoảng 10.000 người không phải công dân Syria và Iraq đến từ 30-40 quốc gia khác nhau đang tập trung tại trại do người Kurd quản lý ở tỉnh Hassakeh, Syria.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>