Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ: “Chết yểu” vì thiếu tính thuyết phục

27/06/2019 | 08:11 GMT+7

Đổ tiền vào các nước đang gặp khó khăn ở Trung Đông để phát triển kinh tế... được xem là giải pháp chính của Kế hoạch hòa bình Trung Đông hay còn gọi là Kế hoạch kinh tế “Hòa bình vì Thịnh vượng”, do Mỹ đề xuất đã thất bại ngay từ bước đầu.

Người Palestine biểu tình tẩy chay kế hoạch hòa bình 50 tỉ USD của Mỹ.   Nguồn: ALJAZEERA

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner vừa công bố chi tiết những dự định kinh tế trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó bao gồm việc đầu tư 50 tỉ USD vào các nền kinh tế đang gặp khó khăn tại Trung Đông trong 10 năm tới. Kế hoạch hòa bình này của Mỹ được mệnh danh là “thỏa thuận thế kỷ”, nhằm hóa giải xung đột Israel - Palestine, mở ra kỳ vọng sẽ tạo hàng triệu việc làm cho người Palestine, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 20% và giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói của nước này.

Theo đó, Mỹ tập trung vạch ra chi tiết những sáng kiến để đẩy mạnh “tiềm năng kinh tế” của Palestine. Theo bản tài liệu này, 15 tỉ USD trong tổng số 50 tỉ USD sẽ đến từ các khoản tài trợ, 25 tỉ USD từ các khoản vay được trợ cấp và khoảng 11 tỉ USD từ vốn tư nhân. Dự kiến sẽ có 179 dự án kinh tế trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nguồn nước, nguồn điện, viễn thông, du lịch và cơ sở y tế… được hỗ trợ. 147 dự án trong số đó sẽ được xây trên lãnh thổ Palestine.

Từ các dự án này sẽ có khoảng 1 triệu việc làm tại Gaza và khu vực Bờ Tây, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại đây từ 30% xuống mức một con số và tỷ lệ nghèo đói xuống một nửa. Tuy nhiên, các dự án này không đề cập đến một giải pháp chính trị nào giữa Israel - Palestine.

Giới chức Palestine miêu tả đó là “những lời hứa hẹn phù phiếm” và thiếu thực tế. Trong khi đó, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas khẳng định vấn đề kinh tế sẽ không được đàm phán trước khi có một giải pháp chính trị. Còn Bộ trưởng Tài chính Palestine Shukri Bishara cho rằng: “Chúng tôi không cần cuộc họp tại Bahrain để xây dựng đất nước mình, cái chúng tôi cần là hòa bình và những kết quả mà kế hoạch đưa ra là không thực tế và ảo tưởng”.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cáo buộc Chính phủ Mỹ khơi mào cuộc chiến chính trị và tài chính nhằm vào chính quyền Palestine. Ông Ishtaye cho rằng Mỹ và Israel đang “tiến hành cuộc chiến tài chính nhằm vào chính quyền và người dân Palestine”, trong đó chủ yếu cắt nguồn quỹ tài trợ hàng năm cho Cơ quan của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat khẳng định: “Palestine cam kết nguyên tắc giải pháp hai nhà nước, trong đó đảm bảo thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem”.

Trong một động thái liên quan, ngày 25-6, hàng nghìn người Palestine đã xuống đường biểu tình tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza nhằm phản đối việc khởi động kế hoạch hòa bình Trung Đông của chính quyền Washington.

Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang kể từ cuối năm 2017 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem bất chấp Palestine và dư luận quốc tế kịch liệt phản đối. Sau đó, liên tục các cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng của Israel tại Dải Gaza nổ ra dẫn đến xung đột giữa IsraelPalestine.

Theo số liệu chưa đầy đủ, từ tháng 3-2018 đến nay đã có trên 251 người Palestine thiệt mạng do hỏa lực của Israel. Cũng trong khoảng thời gian này, phía  Israel cũng có hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng.

Chính những bất đồng chính trị quá lớn giữa PalestineIsrael nên cho dù Mỹ có đổ hàng chục tỉ USD vào đây để phát triển kinh tế cũng không thể giải quyết được định kiến giữa hai nước. Điều này đồng nghĩa Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ sẽ không thành hiện thực, nếu không muốn nói là “chết yểu”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>