Khó có cớ tấn công Syria

12/04/2018 | 09:20 GMT+7

Cuối cùng cả hai nghị quyết của Mỹ và Nga về việc điều tra nghi ngờ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria đều không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) bỏ phiếu thông qua. Điều này làm cho Washington lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, tại New York (Mỹ) ngày 4-4. Nguồn: THX/TTXVN

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Mỹ nhận được 12 phiếu thuận, song không được thông qua do lá phiếu phủ quyết của Nga. Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với dự thảo của Mỹ. Còn dự thảo nghị quyết của Nga nhận được 6 phiếu thuận (trong đó có phiếu của Trung Quốc), song không đủ 9 số phiếu thuận tối thiểu cần thiết để được thông qua.

Điểm khác biệt chính giữa hai nghị quyết này là văn bản của Mỹ yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra để xác định thủ phạm tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria; còn văn bản của Nga yêu cầu các nhà điều tra báo cáo kết quả điều tra lên Hội đồng Bảo an và sau đó cơ quan này sẽ đưa ra kết luận.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ “vẽ ra nghị quyết nêu trên” làm “cái cớ” để biện minh cho hành động chống lại Syria trong tương lai. Ông nói rằng lá phiếu phủ quyết của Nga có lợi cho hòa bình và an ninh của thế giới, bảo vệ pháp trị của quốc tế, nhằm đảm bảo rằng Hội đồng Bảo an không bị kéo theo cuộc phiêu lưu của Mỹ.

Trong một động thái liên quan, trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Syria sẽ phải “trả một giá đắt” cho hành động mà phương Tây quy kết là dùng chất độc thần kinh để tấn công tại Douma, vùng Đông Ghouta, Syria, làm ít nhất 40 người thiệt mạng hôm 7-4.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hiện Mỹ đang phối hợp với các đồng minh và đối tác từ NATO tới Qatar để giải quyết vấn đề trên. Ông không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành giải pháp quân sự đối với Syria, trong đó có việc không kích quốc gia Trung Đông này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các nhà điều tra quốc tế mở điều tra độc lập sau vụ tấn công trên. Ông Guterres cho rằng “tính nghiêm trọng trong các cáo buộc gần đây đòi hỏi cần có một cuộc điều tra thấu đáo, dựa trên ý kiến khách quan, độc lập của giới chuyên gia. Ngoài ra, ông Guterres còn tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc đảm bảo cho tổ chức OPCW quyền tiếp cận đầy đủ thông tin để hoàn thành sứ mệnh xác minh sự thật về vụ việc trên.

Trong khi đó, Chính phủ Syria đã bác bỏ những cáo buộc của phương Tây về việc liên quan đến vụ tấn công trên. Đồng thời Syria đã mời Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới thị sát thị trấn Douma, khu vực Đông Ghouta của Syria, nơi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hồi cuối tuần qua khiến nhiều người thiệt mạng.

Trước đó, các đại diện của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tuyên bố các chuyên gia của tổ chức này không tìm thấy bằng chứng nào về việc quân đội Chính phủ Syria sử dụng các vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, thuộc khu vực Đông Ghouta của nước này.

Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, những cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học tại quận Douma là một “kế hoạch dàn dựng từ trước” của phe đối lập. Đây được xem là cái cớ để phương Tây mà đứng đầu là Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này như đã từng làm hồi tháng 4-2017 bằng các cuộc tấn công như dội “mưa” tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria nhưng kết quả cuối cùng cũng không thay đổi cục diện.

Giới phân tích nhận định, cùng tham gia tiêu diệt khủng bố ở Syria nhưng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu hoạt động không hiệu quả so với không quân Nga. Cũng chính Nga đã giúp Syria thành công khi tiêu diệt phiến quân.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>