Khó cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran

22/09/2020 | 05:19 GMT+7

Mỹ tiếp tục đơn phương áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran làm cho JCPOA càng thêm khó phục hồi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Theo đó, ngày 19-9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế “phản hồi” trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran diễn ra như dự định của Mỹ thì thỏa thuận hạt nhân giữa Iran ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) bị phá sản hoàn toàn.

Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn cảnh báo thiết lập một hệ thống trừng phạt thứ cấp để trừng phạt bất kỳ quốc gia hay thực thể nào vi phạm. Dự kiến các bước đi cụ thể sẽ được nhà lãnh đạo Mỹ công bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào hôm nay (ngày 22-9), tức 6 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Sở dĩ Mỹ ra tuyên bố trên bởi vì Washington luôn cho rằng Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA mà còn nỗ lực làm giàu urani để phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Iran vẫn là nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới và chúng tôi không tin rằng họ có thể tiếp tục buôn bán vũ khí chiến tranh mà không bị trừng phạt. Chúng tôi sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran để lệnh cấm vận vũ khí với nước này sẽ kéo dài vô thời hạn. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng điều này là tốt cho tất cả các dân tộc, các quốc gia”.

Tuy nhiên, bước đi này của Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia liên quan như Nga, Trung Quốc, mà cả các đồng minh châu Âu. Trong một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp, Anh và Đức tuyên bố, mọi quyết định hay biện pháp được đưa ra nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran đều không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào.

Còn đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Ông Borrell cho biết, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington “không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ”. Ông Borrell cũng cho biết các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong JCPOA, tiếp tục được áp dụng.

Là điều phối viên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA, EU cam kết tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác. Đại diện cấp cao EU coi thỏa thuận này là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế “hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại”.

Tuy nhiên, một nghịch lý là dù phản đối lập trường của Mỹ, song cộng đồng quốc tế lại không có bất kỳ bước đi cụ thể nào để ngăn cản. Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự kích hoạt hệ thống trừng phạt thứ cấp, thì mọi chuyện lại khác và căng thẳng có thể leo thang hơn nữa. Dù bất kỳ kịch bản nào xảy ra, thì rõ ràng hành động đơn phương của Mỹ đã càng làm nước này trở nên xa cách với chính các đồng minh của mình.

Về phía mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran trong ý định đơn phương tại Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đưa ra tuyên bố bác đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Matxcơva sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Tehran và Washington.

Từ những diễn biến trái chiều trên, giới phân tích cho rằng sẽ khó cứu vãn JCPOA mặc dù các quốc gia liên quan đã nỗ lực tìm gải pháp.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>