Khó khăn bao vây tân Thủ tướng Anh

24/07/2019 | 18:02 GMT+7

Nhiều quan chức cấp cao từ chức, sức ép thời gian Brexit... đã làm tân Thủ tướng Anh Boris Johnson rơi vào cảnh khó khăn. 

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Daily Express

Như vậy sau chiến thắng ở cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh thay cho bà Theresa May vào chiều 24-7. Tuy nhiên, niềm vui đối với tân Thủ tướng Anh không được trọn vẹn khi ngay trước thời điểm công bố người thắng cử, một số thành viên Chính phủ Anh đã từ chức do bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo này. Trong số này, có bà Margot James, Quốc vụ khanh phụ trách Doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và hợp tác thuộc Bộ Văn hóa; ông Alan Duncan, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu và châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Anh. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và một số thành viên khác trong Nội các Anh dự kiến cũng sẽ công bố quyết định từ chức khi Văn phòng Thủ tướng Anh đổi chủ.

Trong đơn từ chức, ông Duncan khẳng định, nước Anh vẫn luôn vận hành tốt, nhưng điều đáng tiếc là nước Anh mỗi ngày phải làm việc dưới “đám mây đen” Brexit. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tuyên bố: “Nếu ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng nước Anh, tôi hiểu rằng ông sẽ chấp nhận một khả năng Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31-10 tới. Đó là điều mà tôi không thể đồng ý. Điều quan trọng là một Thủ tướng cần phải có một Bộ trưởng Tài chính có đồng quan điểm với ông về các vấn đề chính sách. Do đó, tôi có ý định nộp đơn từ chức trước khi ông Boris Johnson lên nắm quyền”.

Sự ra đi của một số quan chức cấp cao trong Nội các Anh nhằm thể hiện những bất đồng quan điểm với ông Boris Johnson. Trong đó có việc ông Boris Johnson chủ trương bằng mọi giá sẽ tiến hành Brexit vào ngày 31-10 tới, thậm chí kể cả khi không đạt được thỏa thuận với EU.

Điều này đồng nghĩa với việc dù không muốn nhưng ông Boris Johnson sẽ phải “gánh vác” một chính trường Anh phân cực nghiêm trọng liên quan kế hoạch Brexit và sự ra đi của hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh ông phải chèo lái con thuyền nước Anh ra khỏi EU đúng thời gian.

Nói một cách khác, không chỉ phải đối phó những mâu thuẫn trong nước mà đối ngoại của tân Thủ tướng Anh cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Ngoài Brexit, ông Boris Johnson cũng phải tìm ra một giải pháp cho những căng thẳng với Iran hiện nay, đặc biệt sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ nước này. Anh cùng các nhà lãnh đạo châu Âu khác ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Mỹ đã rút khỏi cách đây hơn 1 năm. Quản lý tốt cuộc khủng hoảng này sẽ giúp lãnh đạo mới của nước Anh cân bằng mối quan hệ không chỉ với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, mà còn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Do vậy, việc chỉ định các bộ trưởng mới cũng như cải tổ Nội các Anh dự kiến được ông Boris Johnson thực hiện ngay trong tuần này, đồng thời phải bắt tay ngay vào việc giải quyết hàng loạt các thách thức trong và ngoài nước.

Trong một động thái liên quan, mới đây lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (Lib Dems), bà Jo Swinson tuyên bố: “Tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn Brexit. Tôi đã sẵn sàng để đưa đảng của chúng ta tham gia một cuộc tổng tuyển cử và giành chiến thắng”.

Còn Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất đại diện cho 190.000 công ty, doanh nghiệp ở Anh), bà Carolyn Fairbairn cho rằng Thủ tướng mới không nên đánh giá thấp những lợi ích mà một thỏa thuận Brexit đem lại. Đồng thời kêu gọi ông Boris Johnson tránh Brexit mà không có thỏa thuận.

Cùng quan điểm trên, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thương mại Anh (BBC), cơ quan đại diện cho hàng nghìn công ty ở nước này, ông Adam Marshall hối thúc ông Johnson đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Từ những diễn biến trên cho thấy tân Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ gặp nhiều chông gai cả đối nội lẫn đối ngoại khi trở thành ông chủ ngôi nhà số 10 phố Downing.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>