Kinh tế toàn cầu “lâm bệnh”

20/04/2020 | 08:35 GMT+7

Khả năng hồi phục của kinh tế thế giới từ những ảnh hưởng của Covid-19 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các doanh nghiệp có thể sớm sửa chữa chuỗi cung ứng đã bị rạn vỡ và tổn thất nghiêm trọng hay không.

Từ Ấn Độ đến châu Âu và châu Phi, vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn vì các lệnh đóng cửa biên giới.

Nhận định của Neil Irwin, nhà báo kinh tế cấp cao của chuyên trang The Upshot, về những thay đổi mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu: Nền kinh tế thế giới là một mạng lưới cực kỳ phức tạp. Mỗi chúng ta đều có một chuỗi các mối quan hệ kinh tế trực tiếp mà ai cũng biết rõ: Các cửa hàng nơi chúng ta mua sắm, chủ lao động trả lương cho chúng ta, ngân hàng cho chúng ta vay tiền mua nhà. Nhưng khi nâng lên 2 hoặc 3 cấp độ nữa thì không ai dám chắc các kết nối đó hoạt động thế nào. Và đó chính là điều đáng lo khi đánh giá hậu quả kinh tế phát sinh từ sự lây lan của vi-rút corona chủng mới. Những năm tới đây, chúng ta sẽ biết được điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé toạc, khi hàng triệu kết nối bị phá hủy cùng lúc. Và nó mở ra viễn cảnh kinh tế toàn cầu khác hoàn toàn so với những gì đã tồn tại nhiều chục năm qua.

Với hàng tỉ người phải ở trong nhà và nhiều phần của kinh tế thế giới “ngủ đông”, dòng chảy hàng hóa dịch vụ - trừ nhu yếu phẩm và sản phẩm y khoa - đã bị đóng băng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động từ cả 2 phía, cung và cầu.

Theo Lee Klaskow, chuyên gia phân tích cao cấp về logistics tại Bloomberg Intelligence, vi-rút đã khiến “chuỗi cung ứng trở thành một mớ hỗn độn”.

Cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đã tăng vọt sau khi các chuyến bay chở khách bị cắt giảm mạnh. Cước từ Hồng Kông đến Bắc Mỹ đã tăng thẳng đứng từ đầu năm đến nay, dù mọi năm sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 11, khi các nhà buôn tăng cường tích trữ hàng cho mùa mua sắm cuối năm.

Tất cả các chặng chủ chốt khác cũng lâm vào tình trạng tương tự, trong đó có chặng từ Frankfurt, trung tâm của châu Âu, đến Bắc Mỹ đã tăng gấp đôi. Tháng 3, American Airlines thông báo sẽ chỉ thực hiện các chuyến bay chở hàng từ Dallas đến Frankfurt, chủ yếu vận chuyển thiết bị y tế, thuốc men, thư từ bưu phẩm cho sĩ quan quân đội Mỹ, thiết bị viễn thông và các kiện hàng thương mại điện tử. Kể từ khi những chiếc máy bay chuyên dùng để chở hàng Boeing 747 chính thức “nghỉ hưu” năm 1984, đây là lần đầu tiên hãng triển khai chuyến bay chỉ chở hàng.

Không chỉ đường hàng không, cước phí vận chuyển đường biển - phương thức chiếm khoảng 80% tổng giao dịch thương mại toàn cầu - cũng tăng vọt. Cước vận chuyển 1 thùng hàng 40-foot từ Thượng Hải đến Rotterdam đã tăng 58% so với quý trước. Hoạt động tại cảng bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa, và các tàu còn gặp vấn đề về thủy thủ.

Tuy nhiên cước phí vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Hồng Kông và Los Angeles đã giảm 5,1% so với năm ngoái. Điều này xảy ra bất chấp các hãng tàu tăng cước và giảm công suất, cho thấy lực cầu đã giảm quá mạnh với các nhà bán lẻ thi nhau hủy hoặc hoãn đơn hàng.

Từ Ấn Độ đến châu Âu và châu Phi, vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn vì các lệnh đóng cửa biên giới. Ở Mỹ, nhu cầu vận chuyển bằng xe tải tăng vọt trong giai đoạn đầu dịch vì mọi người tăng cường tích trữ trước thời điểm giới nghiêm, nhưng giờ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2017.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lần đầu tiên trong 60 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020 sẽ bằng 0 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây thiệt hại “chưa từng có” lên lĩnh vực dịch vụ và các thị trường xuất khẩu chính của khu vực này.

Covid-19 có thể khiến dòng chảy thương mại toàn cầu sụp đổ trầm trọng hơn bất kỳ sự kiện nào kể từ Thế chiến thứ hai đến nay, theo nhận định của WTO. Tổ chức này cũng dự báo thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 32% trong năm nay.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>