Kỳ vọng gia hạn Hiệp ước New START

20/01/2021 | 18:57 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng Hiệp ước New START giữa Mỹ và Nga tiếp tục được duy trì sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Mỹ thông báo đã đạt được một “thỏa thuận về mặt nguyên tắc” với Nga nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) hồi tháng 10-2020. Nguồn: Vajiramias

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, Nga hiện vẫn kỳ vọng vào việc chính quyền mới của Mỹ sẽ đồng ý gia hạn thêm một năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Nếu không, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang không giới hạn. Trả lời họp báo, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có ý định nối lại đối thoại về vấn đề này và cố gắng nhất trí gia hạn New START trước khi hết hạn vào ngày 5-2.

Trước đó, vào tháng 10-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Mỹ gia hạn thỏa thuận hiện tại ít nhất một năm mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Tuy nhiên, việc đàm phán Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump bị bế tắc vì Mỹ yêu cầu Trung Quốc tham gia hiệp định, trong khi Bắc Kinh không có hứng thú.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, mặc dù chính quyền của Tổng thống Trump đã không đáp ứng đề nghị của Nga hai năm trước về việc ký hiệp định ngăn chặn chiến tranh hạt nhân nhưng bản thân Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực giải trừ và kiểm soát vũ khí nên ông rất am hiểu mức độ nguy hiểm của vũ khí này nếu không kiểm soát.

Cùng quan điểm trên, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko cho rằng: “Khi ông Biden nhậm chức sẽ mở ra khả năng gia hạn Hiệp ước New START thêm một thời gian nữa hoặc ít nhất một năm với nghị định thư tạm thời”. Chuyên gia này lưu ý rằng, nếu Matxcơva và Washington không thống nhất được vấn đề này thì không chỉ Nga và Mỹ, mà phần còn lại của thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân không hạn chế, có tác động hết sức tiêu cực đến an ninh của chính nước Mỹ.

Trong một động thái liên quan, mới đây ông Antony Blinken, người được đề cử vào chức Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe sắp tới sẽ tìm cách gia hạn New START được ký với Nga. Điều này là tín hiệu vui cho kỳ vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân của hai cường quốc Mỹ và Nga. Đây cũng là nền tảng để ngăn chặn cuộc đua vũ khí hạt nhân ở những quốc gia liên quan.

Trước đó, Trung Quốc, một cường quốc về vũ khí hạt nhân cũng kêu gọi Mỹ đưa ra các cam kết về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân và cắt giảm mạnh số đầu đạn hạt nhân bằng việc gia hạn New START. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hiện nay, trong 5 cường quốc hạt nhân, Trung Quốc là nước duy nhất theo đuổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân và chính sách này sẽ không thay đổi, đồng thời kêu gọi Mỹ đáp lại yêu cầu của Nga về việc nhất trí gia hạn Hiệp ước New START, trong bối cảnh hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2 năm nay nếu Nga và Mỹ không cùng thống nhất gia hạn.

Hiệp ước New START được ký giữa Nga và Mỹ vào năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. New START quy định, mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để trong 7 năm và trong tương lai, tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và không triển khai. Theo đó, Nga và Mỹ mỗi năm 2 lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng tên lửa. Như vậy đến ngày 5-2-2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5-2-2021, hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.

Hiện nay, New START là hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất có hiệu lực giữa Nga và Mỹ. Nếu không được gia hạn, sẽ không có hiệp định nào trên thế giới hạn chế kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>